Kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh Hậu Giang:
Giám đốc Sở bị “truy” về nạn phân bón giả
(Dân trí) - Tình trạng phân bón giả tràn lan, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để… là những vấn đề “nóng” mà Giám đốc các Sở NN&PTNT và Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang bị truy vấn tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hậu Giang, diễn ra chiều ngày 8/7.
Tại phiên chất vấn lãnh đạo Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Quốc Ca- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang- đặt câu hỏi: Cử tri phản ánh thời gian qua tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, giả tại các đại lý, cửa hàng chưa được khắc phục, có xu hướng gia tăng. Điều đáng quan tâm là đại lý bị xử phạt xong vẫn tiếp tục vi phạm. Trước thực trạng trên, quan điểm của Giám đốc Sở vế vấn đề này trên thế nào và những giải pháp khắc phục?
Ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang- cho biết, có thể nói trong 6 tháng qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành khác kiểm tra tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất quyết liệt. Qua kiểm tra phát hiện 9,3% (khoảng 11/118 đơn vị) vi phạm. Theo ông Đồng, các cán bộ trực tiếp đi thực hiện nhiệm vụ này rất vất vả, có nhiều cán bộ bị hăm he, bị kẻ gian đánh trọng thương phải nằm viện.
Theo ông Đồng, trước khi có NĐ 202 ngày 1/2/2014 của Chính phủ, nói chung việc quản lý của chúng ta còn nhiều mặt hạn chế; việc sản xuất, kinh doanh những mặt hàng này coi như không phải là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện. “Trên lĩnh vực phân bón có trên 6.000 tên loại phân bón, bảo vệ thực vật thì có trên 3.700 tên thuốc… là những con số không thể hình dung nổi, trong khi các nước tiên tiến thì chỉ có vài ba mặt hàng. Do đó, kỳ này, chúng ta sẽ đưa phân bón, thuốc bảo vệc thực vật vào sản xuất có điều kiện và công bố có quy chuẩn, trên cơ sở đó quản lý chặt chẽ hơn”, ông Đồng cho hay.
Cũng theo ông Đồng, xung quanh việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa mang tính răn đe. “Việc sản xuất kinh doanh vi phạm chỉ bị phạt từ 500.000 đến 500 triệu đồng là rất nhẹ. Do đó, cần có tính quyết liệt hơn trong xử lý”, ông Đồng kiến nghị.
Một vấn đề nữa là trong kiểm tra mặt hàng giả, khi lấy một mẫu phân hoặc thuốc đầu tiên là giả nhưng lần thứ hai thì lại đạt chất lượng, đây là một bất cập. “Khi bốc một mẫu ta nghi ngờ thì bốc 3 mẫu, mẫu thứ 1 ngành chức năng đưa đơn vị khảo nghiệm để xem có kết quả thì mời doanh nghiệp đến nhưng họ không đồng tình thì cho phép doanh nghiệp chỉ một đơn vị khảo nghiệm thứ 2. Nếu mẫu thứ 2 khảo nghiệm đạt thì đó là cơ sở nên không xử lý được. Còn mẫu thứ 3 bốc chỉ để dành trong quá trình vận chuyển có hư hỏng gì thì thay thế. Cho nên, về việc xác định các mặt hàng, chúng ta cần phải có một đơn vị thứ 3 để xử lý vấn đề này”, ông Đồng nêu quan điểm.
Qua nhiều năm thấy rằng, hiện nay thông tư 14 có xếp loại cơ sở mua bán kinh doanh, trong đó có phân loại A, B, C thì tất cả những vấn đề tiêu cực đều nằm trong loại C. “Hướng tới cuối năm và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục tập trung vào những cơ sở loại C (hiện có khoảng 206 cơ sở, với tỷ lệ 15%), làm tới chừng nào anh phấn đấu lên B, lên A thì ổn, còn C vi phạm thì tiếp tục xử lý nghiêm”, ông Đồng nhấn mạnh.
Ngành NN&PTNT còn bị “truy” về việc chậm triển khai thu mua lúa tạm trữ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Về thực trạng này, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đồng, vụ lúa Đông Xuân, Hiệp hội lương thực giao tỉnh Hậu Giang chỉ tiêu thu mua tạm trữ 9.000 tấn lúa quy gạo. Nhưng khi đi vào thu mua tạm trữ thì chủ lực là Công ty CP lương thực Hậu Giang trong quá tình kinh doanh bị lỗ rất nặng nên không còn nguồn và ngân hàng cũng không cho công ty tham gia vay vốn để thu mua tạm trữ.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Hậu Giang đã triệu tập cuộc họp và có hướng xử lý. Trước mắt trong vụ hè thu, Tổng Công ty lương thực miền Nam đồng tình với tỉnh Hậu Giang là trong thời gian chờ, xử lý xung quanh Công ty CP lương thực Hậu Giang thì Tổng công ty đưa 2 doanh nghiệp là Công ty Mê Kông và Công ty CP lương thực Sóc Trăng thu mua lúa hè thu trên địa bàn Hậu Giang. “Do đó, trong thời gian tới khi tình hình sáng sủa hơn, Công ty CP lương thực Hậu Giang quay trở lại sẽ thu mua tốt hơn”, ông Đồng cho biết.
Giám đốc Sở thừa nhận kiểm kê tài sản bồi thường còn chưa chính xác
Với phần chất vấn Giám đốc Sở TN-MT, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Quốc Ca- đặt vấn đề: Cử tri cho rằng, thời gian qua, ngành TN-MT rất nỗ lực thực hiện tốt chức năng quản lý thanh, kiểm tra xử lý ô nhiễm môi trường các doanh nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên, khi kiểm tra ít hoặc không phát hiện. Đề nghị Giám đốc Sở cho biết từ đầu năm đến nay Bộ, ngành Trung ương và Sở TN-MT đã tiến hành bao nhiêu cuộc thanh, kiểm tra về ô nhiễm môi trường tại các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý bao nhiêu trường hợp, bao nhiêu trường hợp chưa xử lý và không xử lý được, nguyên nhân vì sao. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Giám đốc Sở có giải pháp đề xuất kiến nghị gì để hoạt động tới có hiệu quả?
Phần trả lời của mình, ông Nguyễn Văn Huyền- Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang- cho biết, từ đầu năm đến nay đã thực hiện 4 đoàn thanh, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường của Bộ và địa phương tại nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nhìn chung qua thanh kiểm tra cho thấy, các cơ sở doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ông Hiền cho biết, vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện chưa tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định, chưa xác nhận hoàn thành quản lý chất thải nguy hại, giám sát môi trường định kỳ. Ngoài ra tại một số khu cụm công nghiệp khi san lấp kênh mương ngăn dòng chảy cũng làm ảnh hưởng như nước đọng gây mùi hôi.
Ông Hiền cũng cho biết, đầu tháng 7/2014, Sở TN-MT tỉnh có quyết định thanh tra đối với 20 doanh nghiệp trong 2 Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh và Sông Hậu về bảo vệ môi trường, đất đai và tài nguyên nước. Việc này thanh kiểm tra này đang triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Về giải pháp xử lý, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, Sở sẽ thường xuyên chỉ đạo nhắc nhở các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẻ với Phòng TN-MT các huyện, thị ,TP tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến và triển khai kịp thời các quy của pháp luật trong bảo vệ môi trường, nhất là các văn bản mới ban hành đến tất cả các đơn vị sản suất kinh doanh và người dân trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất khi có đơn thư phản ảnh của người dân; qua thanh kiểm tra sẽ hướng dẫn các cơ sở doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Ông Hiền cũng kiến nghị HĐND, UBND xem xét chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện để các doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận các nguồn vốn vay để hoàn thiện các hạng mục công trình bảo vệ môi trường; xem xét chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là công trình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tập trung, trạm trung chuyển chất thải để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư và giảm chi phí đầu tư cho đơn vị.
Giám đốc Sở TN-MT cũng nhận được phản ánh về tình trạng kiểm kê diện tích hoa màu, vật kiến trúc tại các công trình dự án vừa qua thực hiện còn sai sót, thiếu chính xác, không khách quan gây bức xúc trong dân trong vùng thực hiện dự án và làm làm tăng đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng.
Với phản ánh trên, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, thời gian qua, việc quy hoạch, kiểm kê, chi trả bồi thường vùng có dự án khi thực hiện đều công khai cho người dân. Để triển khai nhiều công trình dự án, theo quy định khi kiểm đếm đều có cán bộ ấp, xã tham gia và người nhà bị ảnh hưởng trực tiếp cùng cán bộ để xác định khối lượng chất lượng của từng loại tài sản.
Tuy nhiên, ông Hiền thừa nhận tính chưa xác chưa cao, vẫn còn những sai sót như người dân phản ảnh. Ông Hiền cho rằng, còn xảy ra tình trạng này là do trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng còn hạn chế về năng lực, chuyên môn; có một số người làm thiếu tinh thần trách nhiệm, kiểm đếm qua loa, nắm không vững chủ trương chính sách để giải thích cho người dân hiểu từ đó phát sinh khiếu nại.
Ông Hiền lý giải thêm, một cán bộ được giao phải tiếp cận cùng với ấp, xã kiểm đếm 10, 20 hộ trong thời gian bao nhiêu ngày, anh em cố gắng làm nhanh cho xong nhưng khi bà con thắc mắc thì một là không nắm, hai là giải thích không đến nơi đến chốn. Thậm chí có anh em nói đất đai hoa màu, vật kiến trúc đó thì bà con cứ ký tên vào biên bản là được rồi, cái nào chưa hài lòng thì khiếu nại. Việc này xem như kêu dân khiếu nại mà lẽ ra phải giải thích tại chỗ để bà con hài lòng. “Thật ra anh em làm việc này có tình trạng đua chen theo thành tích nên vấn đề này bà con phản ảnh là hoàn toàn chính xác”- ông Hiền thừa nhận.
Với trách nhiệm của lãnh đạo Sở để xảy ra bức xúc trên, tại phiên chất vấn, ông Hiền xin nghiêm túc nhận sai sót hạn chế mà bà con phản ánh và sẽ có hướng khắc phục, xử lý.
Trước những kiến nghị của cử tri, ngoài phần trả lời tại kỳ họp này của Giám đốc các Sở, ông Đinh Văn Chung- Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang- yêu cầu các Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý cụ thể, rõ ràng những bức xúc của người dân.
Huỳnh Hải