TT-Huế:

Đói nghèo, thiếu đất, dân mới đi phá rừng!

(Dân trí) - “Chính việc thiếu đất, đói nghèo đã dẫn đến hậu quả người dân miền núi từ lén lút đến công khai phá rừng trái phép để làm nương rẫy, lấy gỗ và lâm sản dưới nhiều hình thức” - ông Võ Văn Dự, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh TT-Huế cho biết.

Đó là ý kiến của ông Dự tại Hội thảo “Làm thế nào thu hẹp khoảng cách giữa chính sách lâm nghiệp và thực tiễn” do Câu lạc bộ Lâm nghiệp tỉnh TT-Huế tổ chức vừa diễn ra sáng 23/11 tại thành phố Huế. Chính thực tế này đã làm đau đầu nhiều nhà quản lý lâm nghiệp và chính quyền địa phương trước sức ép của đời sống dân cư trên địa bàn và sức ép của việc không ngừng tăng cường công tác quản lý bền vững tài nguyên rừng.

“Không ai bảo ai, trong cuộc họp hay những lúc trà dư tửu hậu, những người quan tâm đến vấn đề này đều thống nhất 1 nhận định là phải giải quyết tốt đời sống cho người dân mới giải quyết căn cơ công tác bảo vệ và quản lý rừng bền vững. Tuyệt đại bộ phận người dân ở miền núi là nông dân, mà nông dân muốn giàu, trước hết phải có tư liệu sản xuất mà chủ yếu là đất sản xuất. Muốn thoát nghèo, muốn làm giàu phải có ít nhất là đủ và tốt nhất là có nhiều đất sản xuất” – ông Dự nói.

Ông Hoàng Phụng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế nói: "Phần lớn diện tích rừng sản xuất ở tỉnh TT-Huế rơi vào tay các đại gia, những người có chức có tiền với hàng trăm hecta. Dân nghèo sinh sống trên đất có rừng thì nghịch lý là phải đi làm thuê cho những người giàu đó để kiếm sống".

Rừng bị phá tại huyện miền núi Nam Đông 

Rừng bị phá tại huyện miền núi Nam Đông 

Rõ ràng, câu chuyện này đặt ra không chỉ ở phạm vi tỉnh TT-Huế không thôi mà còn cho nhiều nơi trên cả nước ta. Nhưng hãy lấy ví dụ ở Huế. Hiện tỉnh này có diện tích tự nhiên 503.320,53ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 315.897,77ha với 294.947,10ha đất có rừng và 20.950,67ha đất chưa có rừng. Rừng sản xuất là 139.814,17ha chiếm 45% diện tích đất lâm nghiệp.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian gần đây đã rộ lên nạn chặt phá rừng tự nhiên để trồng keo, cao su, sắn cùng với vấn nạn đào đãi vàng sa khoáng và khai thác gỗ, lâm sản trái phép nên đã gây mất rừng và làm cho chất lượng rừng tự nhiên giảm sút ở một số nơi. Ngoài ra có việc cá nhân, hộ gia đình, cán bộ lợi dụng chủ trương chuyển đổi, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt rồi lạm dụng để phá rừng tự nhiên.

Thực hiện Đề án 430 của tỉnh về việc giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2010-2014, tổng cộng sẽ có 19.953,9ha rừng được đưa đến cho 6 huyện, thị xã. Nhưng ước đạt đến cuối năm 2013 mới chỉ 6.743,4ha. Diện tích rừng tự nhiên chưa giao do UBND cấp xã quản lý hiện nay là 17.530,23ha.

Rừng bị phá tại huyện miền núi Nam Đông 

Tại hội thảo “Làm thế nào thu hẹp khoảng cách giữa chính sách lâm nghiệp và thực tiễn” diễn ra ở Huế

Ông Nguyễn Quốc Cường, PCT huyện miền núi A Lưới nêu quan điểm về việc giao rừng nhưng lại quá nhiều rừng xấu cho dân: “Tại huyện chúng tôi qua kế hoạch đề án 430, huyện chúng tôi sẽ giao 27.543ha rừng tự nhiên, nhưng lại có tới 16.662ha rừng nghèo kiệt chiếm 60,3%. Trên thực tế, người dân chưa có hưởng lợi gì từ việc nhận quản lý diện tích rừng tự nhiên. Một số nhóm hộ, hộ gia đình đang có ý định muốn trả lại rừng vì không được hưởng lợi nhưng phải chịu trách nhiệm quản lý” –

Tại huyện này, tình trạng xây dựng các thủy điện A Lưới, A Lin, A Roàng cùng sạt lở sông suối do bão lụt đã làm cho nhiều diện tích đất canh tác bị thu hẹp. Sự gia tăng dân số, tách hộ lập vườn đã làm cho nhu cầu đất sản xuất trở nên cấp bách, làm huyện thiếu khoảng trên 1.000ha đất sản xuất.

Do thiếu đất, nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm đất rừng tự nhiên để canh tác nương rẫy trái phép, hiện diện tích bị lấn ngày càng tăng. Huyện đã xử lý nhưng lại gặp khó vì đối tượng vi phạm chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số mới tách hộ lập vườn đang thiếu đất sản xuất.

Ở huyện miền núi Nam Đông cũng đề nghị tỉnh giao cho vùng đất chưa có rừng, rừng nghèo kiệt với khoảng 300ha thuộc khoảng rừng tiểu khu 378,379 thuộc BQLRPH Nam Đông cho 2 xã Hương Hữu, Hương Sơn vì nhiều người dân hiện không có đất sản xuất. Ở 2 huyện A Lưới, Nam Đông hiện có tổng 4.384 hộ nghèo với 18.453 khẩu.

Rừng bị phá tại huyện miền núi Nam Đông 

Rừng nguyên sinh tại Vườn quốc gia Bạch Mã đã bị lâm tặc vào tận vùng lõi để phá vào giữa năm 2013. Nhiều nghi vấn là người dân địa phương vào đây phá rừng

Trường hợp rừng tự nhiên nghèo kiệt không thể cải tạo được, ông Dự cho ý kiến nên giao thêm cho mỗi hộ khoảng 2-5ha để trồng cây và chăn nuôi dưới tán rừng để tăng thêm các khoản thu nhập tiềm năng. Ngoài ra, khi được giao đất rừng, tối thiểu nên cho mỗi hộ khoảng 5ha để vừa cải tạo trồng rừng kinh tế và làm đất nương rẫy luân canh, xen canh cây lương thực.

Hiện có những khu rừng tự nhiên nghèo là rừng sản xuất và rừng tự nhiên khác không thể chuyển đổi hay cải tạo. Vườn quốc gia Bạch Mã tại tỉnh TT-Huế là đơn vị đầu tiên trên cả nước áp dụng thí điểm phương án chia sẻ lợi ích cho 1 xã Thượng Nhật của huyện Nam Đông. Nhưng qua 1 năm thực hiện, việc chia sẻ 7 loại lâm sản ngoài gỗ nhằm cho người dân có thêm điều kiện sống là: mây, lợn rừng, măng rừng, hạt ươi, mật ong, ốc suối và nấm linh chi tuy người dân đã thực hiện nhưng vẫn chưa tự giác báo cáo số lượng và trích nộp quỹ thôn.

Rõ ràng, bài toán trên không phải một sớm một chiều “giải” xong mà cần phải có thời gian và nhiều biện pháp để người dân địa phương miền núi có thêm đất nhằm thoát nghèo một cách bền vững.

Đại Dương