Điều chưa từng kể về trận tử thủ trên đảo Hoàng Sa
(Dân trí) - Chúng tôi xả súng đến khi chỉ còn vài viên đạn trong băng thì nhận được lệnh rút về phía sau đánh cầm cự nhằm cố gắng kéo dài thời gian. Từng nhóm người rút về mỗi hướng trên hòn đảo nhỏ mong chờ sự tiếp viện...
Nổ súng
Kho vũ khí trên đảo đã được mở ra để trang bị cho mọi người. Vũ khí lúc đó chỉ gồm 2 khẩu cối 60, 1 cây đại liên 50 thời cũ của Pháp và hơn mấy chục khẩu tiểu liên M-16.
Những ngày sau đó, Trung Quốc đổ bộ chiếm các đảo xung quanh. Đêm 18/1, một trung đội hải kích phía Việt Nam bất ngờ đổ bộ chiếm lại các đảo đó và treo cờ. Tôi còn nhớ rõ những tiếng pháo, súng đì đùng xung quanh và tiếng hò reo của quân mình khi thắng.
Tối cuối cùng trước khi trận chiến xảy ra, bọn tôi ngồi quây quần với nhau và đàn hát những bài hát của Trịnh Công Sơn... Sáng 19/1, có thêm 4 tàu Trung Quốc đến gần Hoàng Sa, số tàu của địch tăng gấp đôi. Trận chiến nổ ra, tàu HQ 16 (Lý Thường Kiệt) bị hỏng. Nhật Tảo chìm (Hạm trưởng tử vong). Tàu HQ 5 và HQ 4 chạy thoát. Ngoài ra còn có một chiếc bè cứu sinh của thủy thủ HQ 10 chạy được vào đảo. Họ cùng trung đội quân địa phương đóng trên đảo Hoàng Sa đã bị cô lập…
Các tàu của Việt Nam tham gia trận hải chiến Hoàng Sa
Cú ném bộ đàm của Gerald Kosh
Sau trận hải chiến trên biển phía Hải quân rút lui, đảo Hoàng Sa còn có 35 lính địa phương, đoàn công binh 6 người kể cả cố vấn Mỹ, 2 nhân viên khí tượng cùng một số thủy thủ QH 10 tấp vào.
Tàu Trung Quốc bắt đầu bắn pháo vào đảo để dằn mặt, sau loạt pháo đầu, họ đặt loa nói vọng vào bằng tiếng Việt đề nghị chúng tôi đầu hàng, nếu sau 3 tiếng không có câu trả lời họ sẽ tấn công.
Thiếu tá Hồng chạy lên đài khí tượng sử dụng máy của đài bên đó để liên lạc về Đà Nẵng xin chỉ thị. Bên Hải Quân cho biết cứ yên tâm sẽ có yểm trợ. Chúng tôi nhận được lệnh phải tử thủ, sau 3h sẽ có tiếp viện đến phá vây. Điều này làm mọi người yên lòng hơn và lên tinh thần.
Lúc bị vây trên đảo, cố vấn Mỹ duy nhất Gerald Kosh nói với mọi người hãy yên tâm, ông ta sẽ gọi cho Hạm đội 7 của Mỹ đang đi tuần gần đó vào giải vây. Hy vọng mới nhen nhóm nhanh chóng biến thành bầu không khí ảm đạm đi khi ông ta liên tiếp hét vào bộ đàm. Cuối cùng khi Kosh ném bộ đàm, chúng tôi hiểu là mình phải nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc tử thủ mà chỉ còn chắc mình chúng tôi - đơn độc.
Toàn cảnh trận hải chiến được ghi lại trên bản đồ
Tử thủ trên đảo Hoàng Sa - điều chưa từng kể
Khoảng 10h sáng ngày 20/1, Trung Quốc cho canô chở lính đổ bộ vào đảo. Chiến thuật “biển người” tiếp tục được áp dụng, họ cho hàng trăm lính với nhiều súng ống, có cả lính thổi kèn xung phong dàn hàng ngang chạy vào từ cầu tàu Lệ Thủy - đường tiếp cận duy nhất. Chúng tôi cứ nhắm súng bắn vào từng hàng người, nhưng lính Trung Quốc đông quá, hết lớp này ngã xuống là lớp khác lại xông lên. Chẳng mấy chốc đã áp sát lô cốt phòng thủ của tôi.
Chúng tôi xả súng đến khi chỉ còn vài viên đạn trong băng thì nhận được lệnh rút về phía sau đánh cầm cự nhằm cố gắng kéo dài thời gian. Từng nhóm người rút về mỗi hướng trên hòn đảo nhỏ mong chờ sự tiếp viện.
Nhưng chúng tôi đã bị “thất hứa” khi không có quân tiếp viện nào cả. Lời của chỉ huy từ đất liền chỉ là lý do động viên tinh thần quân sĩ. Tàu HQ4 và 5 đã chạy về đất liền, kế hoạch chiếm lại Hoàng Sa cũng bị hủy bỏ. Sau này khi trở về, cấp trên giải thích với chúng tôi là nếu đánh thì chỉ thí quân. Khoảng 13h ngày 20/1, sự chống cự bị dập tắt, người hi sinh, người bị bắt.
Tôi không nhớ rõ lắm nhưng có thể dưới 20 người phía Việt Nam đã chết. Còn lại 45 người cùng 2 nhân viên khí tượng và 1 cố vấn Mỹ (tất cả 48, đây là số lượng tính cả một số lính biệt kích của phía Việt Nam đánh các đảo nhỏ xung quanh đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1 sau đó bị Trung Quốc đánh quật trở lại và bắt sống trong ngày 20/1).
Ông Hà cho biết nhiều điều quan trọng trước đây chưa từng kể và cũng chưa báo nào có, ngoài Dân trí qua cuộc trò chuyện
Số lượng quân Trung Quốc ngã xuống không thể đếm hết, khoảng phải gần 100 nhưng họ không được tính vào các số liệu. Tôi xác nhận có người chết bên phía Việt Nam trên đảo nhưng không nhớ rõ số lượng lắm và một số bị thương vì tôi là người trực tiếp trên đảo cho đến khi bị bắt. Trong đó có Trung úy Đơn là người chết trên đảo mà tôi chứng kiến. Sở dĩ trên mạng chưa có số lượng người chết vì không có ai trực tiếp trên đảo. Mà trước đây chỉ nói đánh trên biển. Tôi là người tử thủ đảo từ đầu cho đến khi bị bắt. Báo Dân trí là báo đầu tiên có được thông tin này, trước đây các báo khác chưa có.
Chúng tôi tận mắt nhìn thấy họ (những binh sĩ sống phía Trung Quốc) lột áo quần của những xác người là đồng đội họ và ném xuống biển, tôi lạnh người và nghĩ rằng mình chết chắc rồi. Tôi xác nhận thông tin này một cách chính xác.
Cho đến 10h đêm hôm đó, một sĩ quan Trung Quốc nói với chúng tôi qua phiên dịch tiếng Việt “Chúng tôi coi các anh là tù binh”. Tù binh - Như vậy đồng nghĩa chúng tôi sẽ không bị giết.
Chúng tôi bị đưa đến đảo Hải Nam và giam lại. Nhóm sĩ quan tiếp tục bị đưa đến Quảng Châu giam chung với các tù binh Liên Xô, Ấn Độ,… Một tháng sau, nhóm tù binh đầu tiên trong đó có tôi được đưa về Thẩm Quyến để đến Hồng Kông và trả về nước.
Gerald Cosh (người đi bên trái) ngày trao trả tù binh ở trận Hoàng Sa (đăng trên báo The Times, số ra ngày 31/1/1974)
Tại Hồng Kông lúc đó có rất nhiều phóng viên nước ngoài của các báo danh tiếng như Times, The New York Times… đang túc trực để lấy tin về trận chiến Hoàng Sa. Về Việt Nam chúng tôi được thăng 1 cấp và phong danh hiệu “Anh Hùng Hoàng Sa” - Đó là sự tuyên dương vì chúng tôi đã không kéo cờ trắng đầu hàng. Nếu làm điều ngược lại, số phận chúng tôi sẽ là vành móng ngựa của tòa án binh.
Tôi nghĩ nếu thời gian đó, nếu chúng tôi xây dựng được bãi mìn xung quanh đảo ở những rặng san hô bao quanh và được máy bay hỗ trợ tiếp tế đạn dược và có lực lượng hỗ trợ thì mình chưa chắc thua nhanh đến thế. Việc giữ đảo là khó nhưng đánh đảo còn khó hơn vì chỉ có 1 đường duy nhất theo cầu tàu Lệ Thủy tiến vào. Mất đảo Hoàng Sa thật là điều đáng tiếc.
Đại Dương - Văn Danh - Anh Việt (Ghi)