Diễn đàn kinh tế thế giới tại Hà Nội ra mắt Hội đồng kinh doanh ASEAN

(Dân trí) - Ngày 25/10, Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF-Mekong) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tại sự kiện này, Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN (RBC) với sự tham gia của 55 doanh nghiệp đã chính thức được ra mắt.

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 25/10, ông Justin Wood, Trưởng đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết, Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN gồm có 25 doanh nghiệp hàng đầu ASEAN và 30 doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Nhiệm vụ của Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN là nhằm tăng cường hợp tác công – tư trong các lĩnh vực cấp bách nhất mà ASEAN đang phải đối mặt.

Diễn đàn WEF-Mekong tại Hà Nội đã công bố việc chính thức thành lập Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN (Ảnh: Mạnh Thắng)
Diễn đàn WEF-Mekong tại Hà Nội đã công bố việc chính thức thành lập Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN (Ảnh: Mạnh Thắng)

RBC sẽ tập trung vào lĩnh vực hợp tác: xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, thương mại trong khối ASEAN, xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số, nghiên cứu về tình hình việc làm và ngành nghề trong khu vực... RBC cũng dự kiến sẽ triển khai một loạt các sáng kiến trong thời gian sắp tới, trong đó có chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược.

Theo ông Nazir Razak, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN, một trong những ưu tiên hàng đầu của RBC là thúc đẩy dỡ bỏ những hàng rào phi thuế quan; tăng cường sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng tại họp báo, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội đồng sẽ có một dự án quan trọng khác là thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp phát triển có quy mô khu vực và trở thành thế hệ doanh nghiệp thành công tiếp theo của ASEAN.

Nói về tiềm năng của khu vực Mekong, ông Anthony Fernandes, Chủ tịch của AirAsia cho rằng, Mekong là khu vực năng động và có nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Mekong có nhiều điều kiện tốt để phát triển du lịch cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác.

Theo ông Nazir Razak, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN, một trong những ưu tiên hàng đầu của Hội đồng kinh doanh ASEAN là thúc đẩy dỡ bỏ những hàng rào phi thuế quan (Ảnh: Mạnh Thắng)
Theo ông Nazir Razak, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh khu vực ASEAN, một trong những ưu tiên hàng đầu của Hội đồng kinh doanh ASEAN là thúc đẩy dỡ bỏ những hàng rào phi thuế quan (Ảnh: Mạnh Thắng)

“Trong những tháng gần đây, tôi đã đến thăm nhiều khu vực ở Việt Nam như Hội An, Đà Nẵng, Tp.HCM và một số nơi khác. Mỗi lần đến Hà Nội, tôi đều dành nhiều thời gian để thăm thành phố này”, ông Fernandes cho hay.

Ông Don Lam, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước so với nhiều quốc gia khác của ASEAN chính là một trong những điểm hấp dẫn của khu vực này. Bên cạnh đó là những cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư. Ông hy vọng rằng, WEF-Mekong sẽ là dịp để các lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận các cơ hội thúc đẩy hợp tác, đánh thức tiềm năng chưa khai phá tại khu vực Mekong.

WEF-Mekong với sự tham dự của đại diện đến từ 180 công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới, được hy vọng sẽ mang đến những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.

Trả lời báo chí về ý nghĩa của WEF-Mekong trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý cho biết, “Việt Nam lần đầu tiên tổ chức hội nghị WEF-Mekong nhằm kết nối doanh nghiệp với các nguyên thủ, với các nhà hoạch định chính sách với nhau, hy vọng họ gần nhau hơn và đi đến với những dự án cụ thể, biến những nội dung trên giấy tờ, trên tầm nhìn trở thành những dự án hợp tác cụ thể. Nói cho cùng, việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp với các dự án cụ thể mới là thước đo hiệu quả của các đóng góp của chúng ta và các nước”.

Nam Hằng