Điểm tên tỉnh “vung tay” mua sắm, dự án “đốt tiền” nhà nước

(Dân trí) - Địa phương nhận xe của doanh nghiệp, lãnh đạo dùng phương tiện vượt định mức, chế độ; nhiều tỉnh giá mua sắm tài sản công cao vống; cả loạt dự án buông lỏng quản lý gây thất thoát vốn lớn… Đây là những nội dung UB Tài chính – Ngân sách nhà nước nêu khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2016.

Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính – Ngân sách nêu nhận định chung, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 của Chính phủ phản ánh khá đầy đủ, toàn diện vấn đề này. Bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng khích lệ, UB Tài chính - Ngân sách cũng thấy nổi lên một số tồn tại đề nghị Chính phủ khắc phục.

Nhà đất, trụ sở, xe công... là những tài sản vẫn bị sử dụng lãng phí lâu nay.
Nhà đất, trụ sở, xe công... là những tài sản vẫn bị sử dụng lãng phí lâu nay.

Gia Lai, Bắc Kạn mua sắm bất hợp lý; Hà Nội, TPHCM lãng phí đất vàng

Cơ quan thẩm tra đánh giá, việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn biểu hiện lãng phí.

Báo cáo nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để hạn chế lãng phí trong việc mua sắm tài sản nhà nước, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể: việc mua sắm, sử dụng tài sản Nhà nước vẫn còn tình trạng không kịp thời, chưa phù hợp và vượt tiêu chuẩn quy định. Việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Đặc biệt tại một số địa phương nhận xe tặng của doanh nghiệp gây bức xúc trong nhân dân - cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Nhận định tiếp theo từ uỷ ban thẩm tra là xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là đối với xe ô tô công và gây nhiều bức xúc trong nhân dân (bán thanh lý không qua đấu giá,…).

Số liệu từ Kiểm toán nhà nước cho thấy, qua rà soát có 2.334 xe dôi dư, tuy nhiên, đến ngày 8/3/2017 mới chỉ có 23/28 bộ, cơ quan trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý.

Lãng phí nữa được nêu tại báo cáo là mua sắm công không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xác định giá gói thầu không hợp lý, dẫn đến giá mua sắm cao bất hợp lý nhất là trong lĩnh vực y tế như tại tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Bắc Kạn...

UB Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội bố trí thời gian hợp lý tại kỳ họp để các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội.

Việc quản lý đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước bị “phê” là hiệu quả chưa cao. Các tỉnh thành Hà Nội, TPHCM, Tây Ninh, Nghệ An… được nêu tên vì không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định khi giao đất, cho thuê đất đối với đất nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc.

Dự án BOT “vống” vốn, DNNN thua lỗ lớn

Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng được nhắc đến với con số 11/27 dự án BOT mà Kiểm toán Nhà nước phát hiện và xử lý vừa qua khi tổng mức đầu tư bị đẩy tăng lên bất hợp lý 465 tỷ đồng. Một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%, nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí. Tiếp tục những cái tên được minh chứng như trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình...

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, UB Tài chính – Ngân sách đánh giá là tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Trong quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, cơ quan thẩm tra ghi nhận những chuyển biến song cho rằng, mức độ chưa đáp ứng yêu cầu.

Cơ quan thẩm tra phân tích, tiến trình sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ.

Dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo UB Tài chính – Ngân sách lưu ý, Tổng công ty xi măng Việt Nam kết quả giám sát có 2 doanh nghiệp mất an toàn về tài chính là Vicem Tam Điệp và Vicem Hải Phòng, riêng Vicem Tam Điệp do thua lỗ nhiều năm nên lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2015 là 1.156 tỷ đồng lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Tổng công ty lắp máy Việt Nam có tỷ lệ nợ phải trả trên 3 lần vốn chủ sở hữu, đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ chưa có hiệu quả...

Một số dự án đầu tư của DNNN trong giai đoạn trước không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản nhà nước chưa được khắc phục như 12 dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành công thương với số vốn trên 60.000 tỷ đồng: Vinashin, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên...

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng cảnh báo việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng có nơi còn buông lỏng dẫn đến việc vi phạm các quy định của nhà nước, gây thất thoát tiền và tài sản nhà nước.

P.Thảo