Đề nghị đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào Hiến pháp
Đưa 2 quần đảo vào Hiến pháp để tiếp tục khẳng định đây là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của nước CHXHCN Việt Nam.
Ngày 4/3, tại Đồng Hới, Đoàn công tác của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã làm việc với tỉnh Quảng Bình về công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại buổi làm việc, các ý kiến đã góp ý về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như lời nói đầu cần khái quát và ngắn gọn; đề nghị bổ sung từ “dân chủ” vào trước cụm từ “công bằng xã hội” ở đoạn thứ tư; thay đổi cụm từ “thực hiện chủ quyền nhân dân” bằng cụm từ “thực hiện quyền làm chủ của nhân dân;” đề nghị đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào Hiến pháp để tiếp tục khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhiều ý kiến của đại biểu các đơn vị liên quan trong tỉnh Quảng Bình đã nêu lên những vấn đề còn vướng mắc trong công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như do trình độ dân trí, điều kiện giao thông và khả năng tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại các khu dân cư có khó khăn. Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân lại trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày nên kết quả chưa được như mong muốn...
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức trên 330 hội nghị, hội thảo góp ý kiến, thu hút hàng chục vạn lượt người tham gia. Đã có 4/7 huyện, thành phố, 27/48 cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh tập hợp xong ý kiến, một số cơ quan đã gửi báo cáo tổng hợp đến cơ quan thường trực để tổng hợp. Các cơ quan, đơn vị còn lại tiếp tục hoàn thành việc tập hợp ý kiến tham gia và xây dựng báo cáo theo quy định.
Hiện nay, các ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục cập nhật và tổng hợp, đã có trên 483 ý kiến tham gia bằng văn bản.
Trong thời gian tới, dự kiến Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề thảo luận ý kiến tham gia của các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan hoàn thành việc lấy ý kiến để xây dựng dự thảo báo cáo chung của tỉnh.
TTXVN/Vietnam+