Đại sứ Mỹ: “Dù ai là Tổng thống, tương lai nước Mỹ luôn gắn với châu Á”

(Dân trí) - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bộc bạch rằng, tối qua ông ngủ không ngon vì cuộc bầu cử Tổng thống đang diễn ra. Vị Đại sứ cũng khẳng định, dù bà Clinton hay ông Trump là Tổng thống thì tương lai của nước Mỹ luôn gắn liền với châu Á.

Sáng 9/11, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức buổi theo dõi trực tiếp kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thu hút sự tham gia của hàng trăm người, trong đó có các nhà ngoại giao và các sinh viên.

Trước khi công bố kết quả bầu cử, Đại sứ Ted Osius có cuộc trả lời ngắn với báo chí.

Đại sứ Mỹ Ted Osius trả lời phỏng vấn

Chính sách của Mỹ với châu Á – Thái Bình Dương sẽ thay đổi như thế nào sau khi Mỹ có Tổng thống mới?

Tôi không thể dự đoán chính xác chính sách của Mỹ dưới thời tổng thống mới sẽ như thế nào, nhưng tôi có thể khẳng định cả hai đảng chính của Mỹ đều ủng hộ tăng cường quan hệ với châu Á, trong đó có Việt Nam. Tương lai của Hoa Kỳ sẽ gắn chặt với châu Á dù ai trở thành Tổng thống mới của Hoa Kỳ.

Ông bỏ phiếu cho ai? Chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á, đặc biệt là vấn đề Biển Đông sẽ thay đổi như thế nào sau khi Mỹ có Tổng thống mới?

Có, tôi đã bỏ phiếu, nhưng trên cương vị Đại sứ Hoa Kỳ, tôi phải giữ vai trò trung lập và tôi chỉ bỏ phiếu với tư cách công dân Hoa Kỳ. Và tôi không được tiết lộ lá phiếu của mình.

Theo tôi, dưới thời chính quyền mới của Hoa Kỳ, chính sách của Mỹ đối với khu vực sẽ không thay đổi, sẽ vẫn ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm rằng các tuyến hàng hải, hàng không trong khu vực đều được mở cho tất cả các bên.

Ông bỏ phiếu khi nào? Ông nghĩ sao khi có ý kiến nói rằng cuộc bầu cử lần này rất tiêu cực?

Tôi đã bỏ phiếu vào tháng 9 năm nay. Tôi đăng ký thường trú tại thủ đô Washington D.C. Vì vậy, tôi đã bỏ phiếu với tư cách cử tri vắng mặt.

Mỗi cuộc bầu cử của Mỹ đều là cơ hội để cử tri đưa ra những lựa chọn lớn lao cho tương lai của mình. Và cuộc bầu cử năm nay cũng mang tính lịch sử ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc lần đầu tiên một phụ nữ trở thành ứng viên tổng thống, đại diện cho một chính đảng lớn.

Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh rằng, dù ai là Tổng thống thì tương lai của Mỹ luôn gắn với châu Á (Ảnh: Mạnh Thắng)
Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh rằng, dù ai là Tổng thống thì tương lai của Mỹ luôn gắn với châu Á (Ảnh: Mạnh Thắng)

Mỗi cuộc bầu cử ở Mỹ đều là dịp để thảo luận những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm, như vấn đề kiểm soát súng, vấn đề chủng tộc hay bình đẳng giới, hợp pháp hóa cần sa… Chỉ riêng một cuộc bầu cử không thể giải quyết hết những vấn đề lớn, nhưng cũng là dịp để hiểu rõ hơn suy nghĩ của người dân Mỹ về những vấn đề họ quan tâm, họ muốn nước Mỹ trở thành một quốc gia như thế nào.

Tương lai của Hiệp định TPP sẽ ra sao khi cả hai ứng viên Mỹ đều phản đối hiệp định này?

Trước tiên cần phải nói, Tổng thống Barack Obama vẫn là Tổng thống Mỹ cho đến tháng 1/2017. Tổng thống Obama và chính phủ đương nhiệm quyết tâm thúc đẩy để TPP được phê chuẩn trong năm nay. Dù TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, nước Mỹ vẫn có lợi ích mạnh mẽ trong việc mở rộng thương mại. Người Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nên chúng tôi vẫn tiếp tục muốn thúc đẩy các hoạt động thương mại, buôn bán với phần còn lại của thế giới.

Một khảo sát cho thấy hơn 50% người Mỹ bị stress vì cuộc bầu cử. Ông có phải là một trong số họ?

Tối qua tôi ngủ không ngon lắm. Tôi biết có nhiều cái được và mất trong dịp bầu cử này và tôi rất háo hức muốn biết Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ là ai. Quá trình bầu cử của Hoa Kỳ diễn ra khá dài, nhưng đó cũng là dịp để Hoa Kỳ nêu lên những vấn đề mà người dân quan tâm và tìm ra những hướng giải quyết trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Nam Hằng