Đại biểu Quốc hội: Tướng công an có cần nhiều thế không?

(Dân trí) - Dự thảo Luật Công an Nhân dân sửa đổi quy định hơn 200 vị trí mang quân hàm Tướng. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn liệu có cần nhiều tướng trong lực lượng công an như vậy không?

"Thiếu tướng tỉnh này chưa chắc có chuyên môn hơn Đại tá tỉnh khác"

Theo dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi), lực lượng công an có 1 Đại tướng (Bộ trưởng Bộ Công an), 6 Thượng tướng (Thứ trưởng Bộ Công an). Trung tướng có 35 người, trong đó có Giám đốc Công an TP Hà Nội và TPHCM.

Số lượng Thiếu tướng cũng được quy định rõ, đó là lãnh đạo một số Cục và Giám đốc Công an 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đô thị loại 1, Phó Giám đốc Công an Hà Nội và TPHCM…

Cho ý kiến về dự luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với lực lượng chiến sĩ chức vụ sĩ quan Công an Nhân dân. Tuy nhiên, ông Hòa còn băn khoăn về quy định cấp hàm Tướng.


Đại biểu Phạm Văn Hòa cho ý kiến về Luật Công an Nhân dân sửa đổi

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho ý kiến về Luật Công an Nhân dân sửa đổi

“Trên thế giới hiện nay có một số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an nói chung chỉ là dân sự, mà họ có những chỉ đạo cao nhất trong ngành”, ông Hòa liên hệ.

Theo đại biểu Hòa, ở nước ta lực lượng vũ trang phải có cấp hàm là điều “không bàn cãi”. Nhưng phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta ở thời bình được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và an toàn xã hội.

“Hàm Tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế hay không?”, ông Hòa nói và cho rằng, cấp Tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy, chứ không thể mang hàm Tướng mà quân số chẳng bao nhiêu.

Quy định trong dự thảo về hàm Thiếu tướng có số lượng “không quá 11” đối với các Giám đốc công an tỉnh loại một nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như vậy sẽ rất phức tạp sau này. Bởi có tỉnh hiện tại chỉ là loại 2, nhưng sau này có thể lên loại 1, lúc đó sẽ ra sao, có được lên hàm Thiếu tướng không khi đã có đủ số lượng 11 Tướng?

Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho rằng, người mang hàm Thiếu tướng tỉnh này chưa chắc có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá ở tỉnh khác.

“Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành phố như nhau mà lại có người mang hàm cấp Tướng, người mang hàm cấp Tá, như vậy không hợp lý. Mặt khác, cần cân nhắc Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội và TPHCM số lượng Thiếu tướng không quá 3. Cùng là Phó Giám đốc mà người được quân hàm Thiếu tướng, còn người kia lại không?”, ông Hòa lưu ý.

Địa bàn nào trị an phức tạp thì phong Tướng để chỉ huy quân

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) lại cho rằng, Giám đốc Công an tỉnh loại 1 có trần quân hàm Thiếu tướng là hợp lý và cần thiết. “Điều này nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thật sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn địa phương”, ông Thưởng nói.

Ông Thưởng đề nghị nên khảo sát thực tế, xem có bao nhiêu trường hợp cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đang giữ các chức vụ Giám đốc Công an cấp tỉnh không thuộc đơn vị hành chính loại một.

Đại biểu Cao Đình Thưởng đoàn Phú Thọ
Đại biểu Cao Đình Thưởng đoàn Phú Thọ

Đại biểu Thưởng còn cho rằng, thực tế có nhiều tỉnh không được là đơn vị hành chính loại một, nhưng lại có vị trí chiến lược về an ninh trật tự. “Người đứng đầu lực lượng công an những tỉnh này cần có cấp bậc hàm tương đương như cấp bậc hàm các tỉnh xếp loại đơn vị hành chính loại một để thực hiện nhiệm vụ”, ông Thưởng nêu quan điểm.

Cùng vấn đề trên, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đồng tình với quy định cấp hàm Trung tướng với hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, còn đối tượng khác ông đề nghị cần chặt chẽ số lượng theo quy định, đảm bảo chất lượng.

Theo ông Được, phong Tướng để cầm gậy chỉ huy quân. Tuy nhiên, không nhất thiết tỉnh loại 1 thì phong Tướng, vì tương lai chẳng hạn 10 năm sau có thể còn nhiều tỉnh loại 1 nữa. Giải pháp theo ông Được, cứ địa bàn nào tình hình trật tự trị an phức tạp thì phong Tướng để lãnh đạo, chỉ huy quân.

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an

“Quân đội, công an đều là lực lượng vũ trang. Được phong, thăng quân hàm, tôi và nhiều người mừng cho các đồng chí thôi. Nhưng đã nói lực lượng vũ trang, bên thế này bên thế khác, không công bằng, cũng buồn lắm, đáng suy nghĩ lắm. Giờ ngồi họp, một bên tướng, một bên tá cũng không vui lắm. Đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội xem xét cho hợp lý”, ông Được chia sẻ.

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ công an cho biết, từ khi trình luật này đã cam kết là không tăng biên chế. “Từ nay đến năm 2021, không tăng biên chế nào, chủ yếu là sắp xếp trong lực lượng. Đây là điều mà nhiều đại biểu băn khoăn lo lắng”, Thượng tướng Tô Lâm nói.

Quang Phong