Đặc công “người nhái” giải phóng Trường Sa
Năm 1975. Có bốn con tàu không số được giao sứ mệnh giải phóng đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, góp phần mở ra chuỗi thắng lợi toàn tuyến 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đưa trở về dưới sự quản lý thống nhất của Việt Nam.
Ký ức vẫn không phai mờ trong tâm trí hai thiếu tá Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Xuân Thơm - 2 trong số 4 thuyền trưởng của những con tàu không số lịch sử đó.
Trong căn hộ trên đường Lý Thường Kiệt (quận 5 - TP.HCM), thiếu tá Nguyễn Văn Đức (73 tuổi, nguyên Phó tham mưu Lữ đoàn 125 Hải quân Việt Nam, thuyền trưởng tàu không số 674) dùng bút chì kẻ từng đường thẳng trên bản đồ, đó là con đường mà ông đã chở “người nhái” đổ bộ lên các đảo, giải phóng Trường Sa. Ký ức ngày giải phóng ùa về trong trái tim của người lính năm xưa.
Đặc công "người nhái"
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng từ Quảng Trị trở vào, toàn bộ đoàn tàu không số tiến vào Nam, chỉ trừ một tiểu đoàn 5 tàu (2 tàu bị hư) được lệnh nằm chờ ở cảng K20 Hải Phòng suốt 6 tháng trời. Thiếu Tá Đức cho hay đó là khoảng thời gian không biết làm gì, anh em ai cũng bồn chồn, ngủ không được.
Thiếu tá Nguyễn Văn Đức
Ngay khi đặt chân đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), họ được Phó tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái truyền lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhanh chóng giải phóng Trường Sa.
Đến giờ họ vẫn nhớ vẳng rõ trong đầu nhiệm vụ "giải phóng Trường Sa là để thu biển đảo của Việt Nam về một mối”. Phương án tấn công đánh chiếm các đảo đã được giữ bí mật, bất giờ. Ngày tấn công được chọn vào thời điểm mở chiến dịch Hồ Chí Minh để động viên tinh thần chiến sĩ.
Đúng 4h ngày 11/4/1975, biên đội ba tàu không số giả dạng tàu đánh cá gồm tàu 673 do Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng, tàu 674 do Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng và tàu 675 do Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng, dưới sự chỉ huy của trung tá Mai Năng - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126.
Ba tàu này chở đại đội đặc công nước và một lực lượng tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 cùng phương tiện, vũ khí thần tốc hướng thẳng đảo Song Tử Tây.
“Hành trình gần 500 hải lý không có mục tiêu nào, chỉ dựa vào đo đạc bằng thiên văn, chúng tôi rất lo, sợ đi lạc. Làm sao 1h sáng ngày 14/4 phải bắt được đảo Song Tử Tây như lệnh cấp trên? Thời khắc không cho phép chậm trễ, tôi lấy kinh nghiệm 14 năm đi biển tiến thẳng ra Song Tử Tây”, thiếu tá Đức kể lại.
Sau 3 ngày đêm lênh đênh, đúng 1 giờ sáng ngày 14/4, biên đội 3 tàu đã tiếp cận được đảo Song Tử Tây. “Lúc đó, mọi người mới giải tỏa được nỗi lo. Trung tá Mai Năng còn nói, tụi bây đi tài thật, chưa có ai đi được như tụi bây”, ông Đức thuật lại.
Theo kế hoạch, hai trong số 3 tàu trên án ngữ phía Bắc cách đảo 15 hải lý. Một tàu được lệnh bí mật tiếp cận gần mép san hô của đảo rồi thả 7 xuồng cao su loại nhỏ, lần lượt chở một đội lính đặc công nước - thường được gọi là "người nhái" với 40 người, theo 3 hướng đổ bộ lên chiếm đảo...
4h30 sáng, khi tiếng súng DKZ của vị chỉ huy bắn trúng chòi canh, hiệu lệnh nổ súng bắt đầu. Đảo Song Tử Tây nằm trong kiểm soát.
Ngay sau đó, họ thu về để rút kinh nghiệm chuẩn bị cho đợt đi tiếp theo.
Chiến thắng
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm
Khi vừa đi được nửa chặng đường ra đảo Song Tử Tây, biên đội tàu bị phá vỡ vì tàu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức lái bị hỏng máy. Giờ G đánh đảo Song Tử Tây đã cận kề, không thể kéo về, cũng không thể bỏ lại, ông Mai Năng quyết định dùng tàu của thuyền trưởng Phạm Duy Tam kéo hỗ trợ.
Theo lời ông, hơn 10 ngày sau giải phóng Song Tử Tây, tàu 641 của Đoàn 125 được tăng cường, chở thêm một đại đội đặc công nước do Nguyễn Viết Cường chỉ huy, tiến đánh đảo Sơn Ca. Họ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Mất đảo Song Tử Tây và Sơn Ca dẫn đến sự tan rã ở các đảo Nam Yết, Sinh Tồn và đảo Trường Sa. Đúng 9h sáng 29/4/1975, tất cả 5 đảo hoàn toàn được giải phóng”, thuyền trưởng Thơm nói.
Điều mà hai vị thuyền trưởng thích thú nhất trong lần đặt chân lên đảo Trường Sa là thấy “chim hải âu nhiều vô kể”.
“Chim như đám mây, nó kêu quá trời. Những con chim con chạy lúc nhúc trong cỏ biển, trứng chim nằm la liệt trên đất. Chúng tôi lấy mũ vớt, quay một vòng cũng đầy. Anh em lấy trứng chim đưa về tàu ăn ngon lành”, thiếu tá Đức nói.
Một điều đặc biệt nữa, khi vừa giải phóng xong đảo Trường Sa, biên đội tàu trở về đảo Nam Yết (nơi đặt sở chỉ huy), vừa thả neo xuống đảo thì qua radio, nữ phát thanh viên đọc bản tin Sài Gòn được giải phóng.
“Ai ai cũng hò reo, nhảy tưng lên, mừng vui khôn tả. Sau đó, anh em bắt chim làm một bữa liên hoan ra trò. Chiến thắng 30/4 càng thêm ý nghĩa khi cánh quân biển đảo đã hoàn thành nhiệm vụ”, thuyền trưởng Thơm tự hào.
Những bí mật
Tàu không số. Ảnh tư liệu
Suốt 6 tháng được lệnh nằm yên ngồi chờ tại cảng K20 Hải Phòng, thiếu tá Nguyễn Văn Đức kể, mặc dù sốt ruột, lo lắng nhưng ông và đồng đội có trực quan mạnh mẽ tin rằng “sự bất động” có mục đích. Chỉ khi vào đến Đà Nẵng, họ hiểu được chủ trương, song song với giải phóng đất liền là mở cánh quân biển đảo giải phóng Trường Sa.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm kể, trước khi đi giải phóng Trường Sa, ông cũng từng 3 lần ra đảo để nghiên cứu địa điểm tập kết vũ khí trong chiến dịch vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa, ông Thơm và ông Đức cùng nhận định, công lớn thuộc về những “người nhái” của Lữ đoàn 125 Hải quân Việt Nam.
Hơn 150 "người nhái" thuộc Đoàn 126 Hải quân Việt Nam trong 20 ngày đã đổ bộ và giải phóng 5 đảo quan trọng nhất thuộc quần đảo Trường Sa gồm đảo Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn và đảo Trường Sa Lớn.
“Đặc công nước phải có những tố chất khác thường. Bơi, lặn phải giỏi và phản xạ nhanh, phải có đầu phán đoán nhạy bén. Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa, họ không chỉ giỏi bơi, lặn mà còn thả trôi hàng giờ trên biển chờ thời khắc nổ súng”, thiếu tá Đức nhấn mạnh.
Theo Tá Lâm
Vietnamnet