Phú Yên:
Cựu binh Gạc Ma truyền lửa cho lính đảo
(Dân trí) - Đã 10 năm nay, những cựa binh Trường Sa các tỉnh Nam Trung Bộ lại hội ngộ tại tỉnh Phú Yên để tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Họ cùng nhau ôn lại quá khứ oanh liệt và tiếp lửa cho thế hệ sau.
Chiều 14/3, tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên), hơn 400 cựu chiến binh Trường Sa các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gặp mặt truyền thống tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Đây là lần thứ 10 Ban Liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tổ chức gặp mặt truyền thống tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh có mặt của các cựu binh Trường Sa tại Đà Nẵng về dự.
Nhiều hành ảnh xúc động trong phút giây các cựu binh Trường Sa được gặp lại nhau, có những cựu binh cả chục năm mới được gặp đồng đội của mình. Tay bắt mặt mừng, họ ôm chầm lấy nhau, bao ký ức một thời oanh liệt lại ùa về.
Trong 64 chiến sĩ hy sinh thì tỉnh Phú Yên, có 2 liệt sĩ bỏ mạng trong trận huyết chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, ngày 14/3/1988. Đó là liệt sĩ Trương Văn Thịnh (ở phường 9, TP Tuy Hòa) và liệt sĩ Phan Tấn Dư (ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, Phú Yên).
Đến dự lễ từ rất sớm, ông Trương Văn Cảnh (61 tuổi, anh ruột liệt sĩ Thịnh), bồi hồi nhớ lại: “Thịnh nhập ngũ năm 1985, khi vừa tròn 18 tuổi, làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn. Đầu năm 1988, sau khi trở lại Cam Ranh học khóa đào tạo Tiểu đội trưởng, Thịnh được về phép thăm nhà, ăn Tết. Ra Tết, Thịnh lên đường trở lại đơn vị. Khi gia đình nghèo quá, vợ chồng tui phải gom tiền được 50 đồng để nó đi. Khoảng 20 tháng Giêng, Thịnh lên tàu ra lại Trường Sa. Thế nhưng, khoảng một tuần, gia đình nghe một số bạn bè nó nói: hầu hết anh em trên chuyến tàu đi Gạc Ma đã hy sinh. Gia đình không tin, dò hỏi khắp nơi. Mấy tháng sau thì nhận được thư báo tin Thịnh mất tích. Mãi năm 1990, gia đình mới chính thức nhận giấy báo tử và bằng liệt sĩ của em nó…”.
“Hàng năm, gia đình chọn ngày 25 tháng Giêng làm giỗ cho Thịnh, mà năm nào cũng vậy đến giỗ nó, những đồng đội cựu lính Trường Sa cũng về dự, chia sẻ mất mát cùng gia đình”, ông Cảnh tâm sự.
Ông Huỳnh Hùng (51 tuổi, ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên), cựu binh Trường Sa, nhập ngũ năm 1985 tại Đảo Nam Yết (Trường Sa), xúc động: “Chúng tôi cũng như thế hệ cha anh chúng ta đã không tiếc máu xương để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong trận chiến quyết tử bảo vệ đảo Gạc Ma, nhiều đồng đội chúng ta đã ngã xuống. Hôm nay, chúng tôi gặp mặt ở đây là cùng ôn lại quá khứ oanh liệt, đồng thời tiếp tục truyền lửa cho thế hệ mai sau”.
Nêu quan điểm về việc Trung Quốc đang thực hiện bồi đắp các đảo đá ngầm ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cựu binh Hùng thẳng thắn: “Chúng tôi những cựu binh Trường Sa khi nghe báo đài nói về những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở đảo Trường Sa của Việt Nam chúng tôi vô cùng căm thù. Nếu có cơ hội, chúng tôi mong muốn trở lại Trường Sa, phần để ôn lại quá khứ hào hùng, phần để động viên tinh thần cho chiến sĩ hãy kiên cường, sẵn sàng hy sinh để bảo về biển đảo của Tổ quốc”.
Cựu binh Trường Sa, Đào Thái Thi, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, nhấn mạnh: “Đây là dịp để những cựu binh Trường Sa còn sống tưởng nhớ những người con anh dũng của đất Việt hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, ôn lại truyền thống trung kiên, bất khuất của bộ đội Trường Sa, tiếp tục truyền lửa yêu nước, tinh thần Gạc Ma - Trường Sa cho các thế hệ sau. Tôi mong rằng tất cả cựu chiến binh Trường Sa hãy luôn sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội mình, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”.
Dịp này, các cựu binh Trường Sa cũng đã quyên góp tiền để giúp đỡ một số đồng đội khó khăn, tri ân 2 gia đình có người thân hy sinh trong trận chiến Gạc Ma.
Nhiều cựu binh chống nạng đến dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma
Tặng quà cho cựu binh bị mất cả 2 chân.
Doãn Công