Cung cấp hàng tháng thông tin về công tác nhân quyền
Nói về công tác nhân quyền, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định: “Chúng ta không lấy chống làm chính mà lấy xây để chống, lấy chống để xây. Xây dựng hình ảnh về công tác nhân quyền cũng như thành tựu về nhân quyền của VN để có những số liệu, dẫn chứng cụ thể, thiết thực”.
Sáng nay, Bộ trưởng TT&TT tuyên bố khởi động cơ chế cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí định kỳ hàng tháng.
Công tác nhân quyền có nhiều tiến bộ
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, những năm gần đây, công tác bảo vệ quyền con người ở VN có nhiều tiến bộ rất đáng khích lệ. Các thành tựu này thể hiện ở 3 góc độ.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật đảm bảo quyền con người VN ngày một hoàn thiện; đời sống nhân dân ổn định, an sinh xã hội đảm bảo.
Thứ hai, vị thế và uy tín của VN được nâng cao tại các diễn đàn của LHQ về quyền con người và được các nước công nhận.
“Chúng ta thấy cuộc thăm của Tổng thống Mỹ Obama diễn ra mấy hôm nay, trong các phát biểu của ông cũng khẳng định quyền tự do và tiến bộ về nhân quyền của VN, nhất là hình ảnh con người VN thân thiện, hiếu khách, cuộc sống bình yên”, Bộ trưởng Tuấn dẫn chứng.
Thứ ba, nhận thức của người dân và các cấp chính quyền về quyền con người đã được nâng lên một bước rõ rệt. Từ đó, người dân thực thi trên thực tế các quyền này thông qua thảo luận sôi nổi, đóng góp vào các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ông Tuấn dẫn chứng ngay cuộc bầu cử vừa qua, cử tri đi bầu với tỷ lệ rất cao, gần 99%.
Theo Bộ trưởng TT&TT, thành công này có sự tham gia của báo chí trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức về nhân quyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tích cực tuyên truyền
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác tuyên truyền về quyền con người, đảm bảo thực thi về quyền con người trên báo chí thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, còn bộc lộ một số hạn chế.
Đó là sự phối hợp tuyên truyền trong một số vụ việc phức tạp chưa chặt chẽ, nhịp nhàng. Công tác cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền chưa kịp thời. Công tác nghiên cứu, dự báo tình hình còn lúng túng, phản ứng trước diễn biến tình hình nhiều lúc còn chậm trễ, đôi lúc thiếu thống nhất.
Ngoài ra, công tác đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, sai trái về VN còn bị động, chưa thuyết phục và hiệu quả chưa cao.
“Tôi muốn nhấn mạnh công tác phản bác trên báo chí của chúng ta mới chỉ tập trung vào một số báo đài chủ yếu như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đài Truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN”, Bộ trưởng TT&TT lưu ý.
Ông dẫn chứng ngay trong đợt bầu cử vừa rồi liên quan sự cố cá chết ở miền Trung, nhóm Việt Tân đứng sau xúi giục nhưng chúng ta đấu tranh chưa nhiều.
Bộ trưởng TT&TT cũng nhắc nhở, thông tin đối ngoại trên báo chí có khi còn thiếu chọn lọc, thậm chí từ ngữ, cách giật tít còn mang tính kích động.
“Cá biệt còn có báo thông tin sai sự thật, nhất là các bình luận đưa vào những nội dung kích động, sai sự thật”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho báo chí viết về nhân quyền hiện nay còn ít và dàn trải, lực lượng phóng viên viết về đề tài này còn mỏng.
Theo Bộ trưởng Tuấn, những hạn chế này có nguyên nhân từ sự thiếu phối hợp thông tin giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp với cơ quan báo chí, dẫn đến một thực tế tuyên truyền về quyền con người trên báo chí ở VN chưa tương xứng với thành tựu đạt được trong thời gian qua.
Từ đó, ông đề nghị báo chí tham gia tuyên truyền tích cực, chủ động về nhân quyền.
“Chúng ta không lấy chống làm chính mà lấy xây để chống, lấy chống để xây. Xây dựng hình ảnh về công tác nhân quyền cũng như thành tựu về nhân quyền của VN. Để từ đó, bằng những số liệu, dẫn chứng cụ thể, thiết thực để đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc về VN”, Bộ trưởng Tuấn khẳng định.
Cần đội “đặc nhiệm” tác chiến
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ cũng nhìn nhận công tác tuyên truyền về nhân quyền chưa đủ, kết quả chưa mong muốn và đã bộc lộ những khiếm khuyết.
Tuyên truyền về nhân quyền hiện nay còn manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa có cơ quan làm tư lệnh, chưa có bộ máy thống nhất để phối hợp chặt chẽ.
Vì vậy, ông Sơn đề nghị cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các bộ ngành. Ông cho rằng, việc Bộ TT&TT là đơn vị chủ quản khởi đầu cơ chế cung cấp thông tin hàng tháng cho báo chí tuyên truyền là rất tốt.
“Chúng tôi rất muốn có một đội 'đặc nhiệm' tác chiến về công tác nhân quyền, trong đó có sự tham gia của các bộ ngành và báo chí”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Thu Hằng
VietNamnet