“Cứ bảo giải quyết xong rồi, kiểm tra lại dân vẫn được thêm tiền tỷ”

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương cho rằng nhiều cán bộ giải quyết việc của người dân còn thiếu sự cầu thị, đối thoại. Không ít vụ việc cứ bảo đã giải quyết xong lâu lắm rồi nhưng khi Thanh tra Chính phủ có kế hoạch xem xét lại thì vẫn sai, vẫn phải hỗ trợ cho người dân; thậm chí rất nhiều người dân được thêm tiền tỷ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết, năm nay kế hoạch tiếp dân trong dịp Tết Nguyên đán 2018 được Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành sớm, Ban Tiếp công dân Trung ương cũng bố trí cán bộ túc trực trong tất cả các ngày nghỉ lễ.

“Chúng tôi đã trao đổi, phối hợp với chính quyền các địa phương có người dân khiếu nại, tố cáo để đón tiếp bà con bất cứ giờ nào, kể cả ngoài giờ”- ông Điệp nói.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.

- Nhiều năm lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, ông có đau đáu khi năm nào cũng có rất nhiều người dân đi khiếu kiện, tố cáo bám trụ tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương mà không trở về quê ăn Tết ?

- Có rất nhiều người dân về quê thì cũng không còn nhà nữa, về quê rồi cũng lại ra đây để khiếu nại, tố cáo. Một số công dân thì có hành vi thiếu hợp tác, không hợp tác. Có địa phương đã cử cả Chủ tịch UBND tỉnh ra đây mời nhưng người dân cũng không về. Tuy vậy số người dân thiếu hợp tác cũng không nhiều đâu.

Đánh giá chung lại thì thấy rất nhiều vụ việc người dân không tin vào chính quyền địa phương, cách giải quyết của địa phương chưa thấu tình đạt lý.

Các vụ việc giải quyết xong rồi thì công tác tuyên truyền không đến nơi đến chốn nên người dân không hiểu, không nghe và không đồng thuận. Còn địa phương thì không kiên trì thuyết phục, thông tin. Cũng có một số vụ việc công dân lên Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng lãnh đạo địa phương không tiếp, tiếp dân cho xong chuyện thì người dân trở về làm gì bởi quyền lợi của họ, đề nghị của họ không được giải quyết thấu đáo, tới nơi tới chốn.

Giải quyết việc của người dân còn thiếu sự cầu thị, đối thoại với người dân, bố trí cán bộ tiếp dân cho xong chuyện. Không ít vụ việc cứ bảo đã giải quyết xong lâu lắm rồi nhưng khi Thanh tra Chính phủ có kế hoạch xem xét lại thì vẫn sai, vẫn phải giải quyết, hỗ trợ cho người dân. Thậm chí rất nhiều người dân được thêm tiền tỷ, nên người ta tin vào chỉ đạo của Trung ương, tin tưởng vào chỉ đạo của Chính phủ và càng bám víu ở Trụ sở Tiếp công dân Trung ương lâu ngày, gây áp lực cho Trung ương để có chỉ đạo giải quyết kịp thời cho họ.

- Tại sao trong những vụ việc như thế, Ban Tiếp công dân Trung ương không kiến nghị xử lý trách nhiệm của lãnh đạo địa phương liên quan?

- Đúng thế đấy. Cả nghìn cuộc thanh tra trách nhiệm nhưng kết luận thanh tra có phần kiến nghị xử lý cán bộ để người dân kéo lên Trung ương khiếu kiện thì rất ít, đa số rút kinh nghiệm. Việc này có cả vấn đề lịch sử, nhưng kết luận thanh tra về trách nhiệm không đủ tầm và không kiến nghị xử lý.

Chúng tôi cũng kiến nghị thanh tra trách nhiệm, nhưng thanh tra xong rồi thì xử lý trách nhiệm thế nào lại không thuộc thẩm quyền của Ban Tiếp công dân Trung ương và người ra quyết định thanh tra.

Tôi cho rằng, thanh tra trách nhiệm thấy thế thì phải yêu cầu xử lý, luân chuyển hoặc điều động cán bộ đó đi nơi khác, không cho làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nữa theo đúng Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Chỉ cần làm đúng như vậy thôi cũng tốt lắm rồi, chứ đâu cần chế tài nhà nước đâu.

- Như vậy có thể thấy rõ vai trò của chính quyền địa phương trong giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đang bị xem nhẹ?

- Đúng là như vậy. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong mấy năm vừa qua, đặc biệt khi có Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Luật Tiếp dân có hiệu lực 3 năm qua đã được nâng lên đáng kể, giải quyết được rất nhiều vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài, nhưng vẫn còn nhiều vụ việc, mỗi lần thay đổi lãnh đạo địa phương lại tồn lại nhiều vụ việc.

Vì thế nên chăng phải có chế tài xử lý cán bộ không thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Vừa qua Nghị quyết số 01 của Chính phủ cũng có mục này, xử lý nghiêm cán bộ, chính quyền địa phương vi phạm quy định về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong đó có cả xử lý hành vi của người dân lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo.

Thời gian tới chúng tôi sẽ đề xuất thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số địa phương có các đoàn khiếu kiện đông người, các vụ việc khiếu kiện kéo dài, dai dẳng mà người dân ở lại, bám trụ nhiều nhiều ngày ở Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

- Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Ban Tiếp công dân Trung ương cho thấy “một số cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động, tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, tự trau dồi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp với công dân, thiếu nhiệt tình trong công việc dẫn đến kết quả còn hạn chế”. Những việc này sẽ được thay đổi như thế nào trong năm 2018?.

- Trong năm 2017 tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, chúng tôi đã bố trí lại lực lượng, có cả luân chuyển cán bộ nên công tác tiếp dân ở đây đã đi vào nề nếp hơn. Có tháng mấy lần Phó Thủ tướng ngồi nghe trực tiếp các cơ quan báo cáo sự việc phức tạp và chỉ đạo giải quyết ngay.

Việc tiếp dân ở Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã nâng lên rất cao về trách nhiệm, cán bộ kiên trì, nhẫn nại, nhưng qua theo dõi công tác tiếp dân ở một số địa phương thì thấy cán bộ còn vô cảm, không tổ chức đối thoại. Người dân bức xức từ cơ sở thì lẽ ra phải mời họ lên đối thoại; nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền của quận, huyện nhưng người dân vẫn kéo lên Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đòi giải quyết.

Nếu cứ có thái độ coi người dân đi khiếu nại tố cáo như đi xin việc cán bộ thì sẽ tuyên truyền phổ biến không thành công.

Tôi cho rằng chẳng có chế tài nào bằng sự hài lòng của người dân với cán bộ làm công tác tiếp dân. Nếu cán bộ làm công tác này khiến nhiều người dân không hài lòng, bức xúc thì thủ trưởng cơ quan đó nên thay cán bộ đó và phân công công việc khác thôi.

- Xin cảm ơn ông !

Trong tháng 1/2018, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội (số 1 Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) đã tiếp trên 800 lượt công dân, tại TPHCM tiếp 260 lượt người dân đến trình bày 365 vụ việc, trong đó khiếu nại 246 việc, tố cáo 55 việc và kiến nghị phản ánh 64 việc. Khiếu nại, tố cáo nhiều nhất liên quan đến lĩnh vực đất đai với 218 vụ việc và lĩnh vực tư pháp, bản án của toà 62 vụ việc...

17 tỉnh, thành phố có lượt đoàn khiếu kiện đông người là Hà Nội (7 đoàn), Bắc Giang, Tiền Giang (3 lượt đoàn), Hưng Yên, Kiên Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Long, TPHCM (2 lượt đoàn), Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Long An, Bến Tre, Tây Ninh có 1 lượt đoàn.

Thế Kha (thực hiện)

Bình luận (0)
để gửi bình luận