Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP 14,5%
(Dân trí) - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2015 sẽ giúp Việt Nam tăng tưởng GDP thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%. Tuy nhiên, AEC cũng tạo ra những thách thức, đòi hỏi các quốc gia thành viên có chiến lược điều chỉnh kịp thời.
Đây là nội dung của chương trình Đối thoại chính sách Quốc gia tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng ADB tổ chức ngày 4/9 tại Hà Nội.
Được chính thức thành lập vào cuối năm 2015, AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực.Đánh giá về cơ hội, ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Báo cáo mới nhất của ILO và ADB cho thấy, Việt Nam sẽ là một trong số những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc hội nhập kinh tế khu vực. Lý do bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương”.
Dự báo của ILO và ADB cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2025 so với mức năm 2010 trong điều kiện thuận lợi.
Đồng quan điểm trên, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng ADB tại VN, nhận định: “Cùng với sự gia tăng của các dòng đầu tư và thương mại gia tăng, tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn sẽ được đẩy nhanh. Việt Nam sẽ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn”.
Tuy nhiên, báo cáo được công bố trong cuộc đối thoại cũng cảnh báo nguy cơ “đánh mất” cơ hội việc làm đối với những lao động Việt Nam thiếu kỹ năng và kinh nghiệm.
Gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập ở mức thấp so với nhiều nền kinh tế ASEAN khác.Trong khi đó, khoảng 2/3 số việc làm mới tạo ra là việc làm chất lượng thấp, người lao động “dễ bị tổn thương”, ví dụ như đối tượng lao động tự do hoặc lao động hộ gia đình.
Ông Uramoto đưa ra cảnh báo: “Tiến trình này có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng, trầm trọng hóa những khiếm khuyết trong thị trường lao động - ví dụ như việc làm dễ bị tổn thương, việc làm phi chính thức và lao động nghèo”.
Phát biểu tại chương trình đối thoại, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho rằng báo cáo của ILO và ADB đã chỉ ra được những tác động của AEC đối với các thị trường lao động các nước thành viên. “Thông qua mô phỏng các mô hình và phân tích chính sách, thực nghiệm nhằm khuyến nghị chính sách trên cơ sở bằng chứng tới tạo ra việc làm tốt”.
Nhấn mạnh những cam kết của Việt Nam nhằm hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của AEC 2015, các cơ hội và thách thức đi kèm. Với quyết tâm không để bỏ qua cơ hội hiếm có này, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị hội nhập sâu rộng và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình đó”.
Chương trình Đối thoại đưa ra những với những khuyến cáo: Ưu tiên nâng cao năng suất lao động và chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp, đa dạng hóa công việc trong các ngành chế tạo mới; tiếp tục hỗ trợ ngành dệt may; mở rộng độ bao phủ phúc lợi xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp; tập trung cải thiện giáo dục trung học và đào tạo nghề; cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống phục vụ việc công nhận kỹ năng của họ. |