Cộng đồng ASEAN chỉ thành công khi người dân đồng thuận
(Dân trí) - Đại sứ, đại diện các nước ASEAN cho rằng việc xây dựng Cộng đồng ASEAN chỉ thực sự thành công khi có sự đồng thuận của người dân. Do vậy, các nước đều tiến hành các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tú, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, chủ trì tọa đàm. Tham dự có Đại sứ, đại diện các nước ASEAN tại Hà Nội cùng đại diện của nhiều bộ, ban ngành của Việt Nam.
Mục đích của cuộc toạ đàm là giúp cho các cơ quan báo chí Việt Nam có thêm thông tin về “góc nhìn” của các thành viên khác trong ASEAN về Cộng đồng ASEAN và sự chuẩn bị của các nước cho sự ra đời Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.
Đại sứ Malaysia với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN 2015 cho biết chủ đề của năm ASEAN 2015 là “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta”.
Theo các Đại sứ, đại diện tại tọa đàm, cho đến nay, tất cả các nước thành viên ASEAN về cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN, nỗ lực triển khai các biện pháp nâng cao nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp các cam kết trong ASEAN…
Bên cạnh đó, các thành viên ASEAN cũng triển khai nhiều biện pháp cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng nước.
Singapore đề cao vai trò của trung tâm nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp. Lào chú trọng các biện pháp nhằm giảm nhẹ thách thức, thu hẹp khoảng cách phát triển. Campuchia thúc đẩy vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Myanmar và Philippines chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thái Lan đẩy mạnh cải cách hệ thống hạ tầng cơ sở dịch vụ, thương mại và đầu tư, thực hiện hiệu quả chương trình “Một Cửa sổ quốc gia”, “Một Cửa sổ ASEAN”, phát triển mạng lưới an sinh xã hội…
Đại sứ, đại diện các nước ASEAN nhất trí cho rằng việc xây dựng Cộng đồng ASEAN chỉ thực sự thành công khi có sự đồng thuận của người dân. Do vậy, các nước đều tiến hành các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN với các hình thức phong phú, đa dạng.
Singapore đã thành lập Quỹ ASEAN nhằm hỗ trợ kinh phí cho công tác truyền thông, mời học giả, phóng viên các nước ASEAN tới Singapore. Lào tăng cường đưa các bài báo nước ngoài về ASEAN trên báo chí Lào; cung cấp ấn phẩm cho các thư viện, trường học và người dân; lồng ghép các nội dung về ASEAN trong các hoạt động thể thao, văn hóa, giáo dục.
Thái Lan xây dựng thư viện về ASEAN tại các trường học cho sinh viên, chương trình phát thanh về ASEAN. Brunei đã tổ chức các buổi giao lưu của thanh niên, giáo dục, triển lãm về Cộng đồng ASEAN.
Chính phủ Philippines xây dựng phim tài liệu truyền hình về lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN và tư liệu của 10 nước thành viên ASEAN; chương trình về những nét thương đồng của ASEAN về âm nhạc, múa, trang phục truyền thống lúa gạo và thủ công mỹ nghệ.
Trong khi đó, Malaysia đã tổ chức 44 chương trình với nhiều biện pháp để thông tin đầy đủ nhất về ASEAN tới người dân. Indonesia chú trọng mục tiêu thông tin nhằm tăng cường sự gắn kết giữa người dân Indonesia với người dân các thành viên ASEAN.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đánh giá cao sáng kiến của các nước thành viên ASEAN trong các hoạt động phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của các thành phần trong xã hội về Cộng đồng ASEAN.
Theo ông Tú, Việt Nam từ lâu đã có sự chuẩn bị cho sự hình thành của Cộng đồng ASEAN. Chẳng hạn, về mặt chính trị - an ninh, Việt Nam cũng đã có nhiều các văn bản quy định, nhiều chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn và nhiều hoạt động khác.
Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cũng đã thực hiện cắt giảm các dòng thuế, chuẩn bị các chương trình hợp tác - ông Tú cho hay.
Nam Hằng