Có giám sát, phản biện, vấn nạn thực phẩm bẩn đã chuyển biến

(Dân trí) - Tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm được nhận định có nơi, có lúc đã đến mức báo động. Quốc hội quyết định tiến hành giám sát tối cao, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cũng vào cuộc… Tình hình đã có những chuyển biến tích cực…

Đó là một ví dụ được đưa ra để thuyết phục các đại biểu tham dự phiên họp tại UB Thường vụ Quốc hội hôm nay, 21/4, nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch về thực hiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội giữa 3 cơ quan UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trình bày dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Mặt trận đã “cập nhật” một số điểm mới sau phiên thảo luận vừa qua tại UB Pháp luật của Quốc hội.

Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu trước UB Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu trước UB Thường vụ Quốc hội

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết liên tịch có quy định, quý IV hàng năm, MTTQ các cấp chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch giám sát phản biện xã hội năm sau. Quy định này là để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp với các hoạt động hiện đang thực hiện.

Ở Trung ương, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi, thống nhất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Ở cấp tỉnh, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi, thống nhất với Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cùng cấp. Ở cấp huyện, cấp xã, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi thống nhất với HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát.

Nhất trí với hướng báo cáo, chỉnh lý này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, theo kế hoạch giám sát hàng năm, Quốc hội cũng có 2 chuyên đề được triển khai; các UB chuyên môn của Quốc hội có 2-3 chuyên đề nữa. Như vậy, tính riêng khối cơ quan của Quốc hội, đối tượng giám sát ở địa phương đã khá lớn.

Theo ông Phúc, cần tính toán sao để tránh thời điểm đoàn giám sát của Quốc hội, UB hường vụ Quốc hội, các UB của Quốc hội và MTTQ cùng hoạt động mà không có sự chồng chéo, gây áp lực với địa phương khi có chuyện nhiều đoàn công tác đến làm việc cùng thời điểm.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, mỗi kỳ họp đầu năm của Quốc hội thường có 200 nội dung đề xuất thực hiện giám sát, trên cơ sở đó, có 4 nội dung được chọn ra trình Quốc hội xem xét, quyết định 2 nội dung. Nội dung phong phú vậy cho nên sau khi Quốc hội họp xong, các bên cũng nên họp và thống nhất các nhóm vấn đề khác để chất vấn, tránh khả năng trùng lắp với giám sát của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc, và để cho các cơ quan chịu sự giám sát bố trí, chuẩn bị để đón các đoàn giám sát khác nhau.

Góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, cần thiết xác định mốc thời điểm cụ thể để lập kế hoạch và căn cứ vào thực tế, nên vào quý III hàng năm. Tuy nhiên, nếu phát sinh những vấn đề cần thiết phải giảm sát, phản biện xã hội, các bên liên quan sẽ đề xuất bổ sung vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đã lập.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, lúc đầu nghe qua về các hoạt động giám sát như vậy, nhiều người ở các cơ quan cảm thấy có áp lực nhưng điều đó là cần thiết. Lấy ví dụ từ cuộc giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến hôm qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi MTTQ Việt Nam vào cuộc hay Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai hoạt động, tình hình có chuyển biến ngay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cuộc giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã mang lại chuyển biến tích cực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cuộc giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã mang lại chuyển biến tích cực.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Nghị quyết liên tịch này có sự tham gia của “3 bên”, cần có hình thức ký kết cho đúng tầm, nên thực hiện vào thời điểm Quốc hội họp để thông điệp đưa ra có hiệu quả nhất.

Chốt lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất giao UB Pháp luật chủ trì thẩm tra, phối hợ với UB Trung ương MTTQ, Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để 3 cơ quan thực hiện việc ký kết vào kỳ họp giữa năm nay của Quốc hội với nghi thức trang trọng.

P.Thảo