Chủ tịch Quốc hội trình nhân sự để bầu Chủ tịch nước

(Dân trí) - Trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt UB Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất được Ban chấp hành TƯ Đảng giới thiệu cho vị trí lãnh đạo chủ chốt này.


Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV khai mạc ngày 22/10, dự kiến kéo dài đến 21/11 (Ảnh: Việt Hưng)

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV khai mạc ngày 22/10, dự kiến kéo dài đến 21/11 (Ảnh: Việt Hưng)

Sáng nay, 22/10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc tại Hà Nội. Như đã được phân tích, công tác nhân sự sẽ được làm từ ngay đầu kỳ họp để đảm bảo tính liên thông cho các hoạt động tiếp theo. Cụ thể, Quốc hội xem xét bầu Chủ tịch nước mới thay cho vị trí ông Trần Đại Quang – người vừa từ trần hơn 1 tháng trước, để lại. Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự khác cho vị trí tư lệnh ngành này.

Kỳ họp thứ 6 khai mạc trong bối cảnh Quốc hội phải nhận nhiều tin buồn, mất mát liên tiếp thời gian qua. Từ sau kỳ họp thứ 5 (tháng 5 – 6/2018) tới nay, có thêm 2 đại biểu Quốc hội xa rời phòng Diên Hồng là Chủ tịch nước Trần Đại Quang (đoàn đại biểu TPHCM) và ông Lê Minh Thông (đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá). Vị đại biểu lão thành đã từng tham gia Quốc hội 7 khoá (II, IV, V, VI, VII, VIII và IX) – nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng vừa từ trần đầu tháng 10.

Chủ tịch Quốc hội trình nhân sự để bầu Chủ tịch nước - 2

Chủ tịch Quốc hội trình nhân sự để bầu Chủ tịch nước - 3


Sáng 22/10/2018, truớc giờ khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn các đại biểu Quốc hội đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Việt Hưng)

Sáng 22/10/2018, truớc giờ khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn các đại biểu Quốc hội đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Việt Hưng)

Dự kiến, trong phiên họp trù bị sáng nay, Quốc hội thực hiện nghi thức mặc niệm, tưởng nhớ 3 vị đại biểu Quốc hội này.

Sau các nội dung sẽ thực hiện trong ngày làm việc đầu tiên theo thông lệ là nghe các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách và báo cáo thẩm tra về những nội dung này của các cơ quan thường vụ của Quốc hội, Quốc hội bắt đầu quy trình làm nhân sự.

Cuối giờ làm việc chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt UB Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Đây là quy trình tiếp theo sau việc Ban chấp hành TƯ, tại kỳ họp thứ 8 diễn ra hồi đầu tháng 10, đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng để bầu đảm nhiệm chức vụ người lãnh đạo đứng đầu nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện việc bầu Tổng Bí thư để đồng thời làm nguyên thủ quốc gia.

Đây cũng sẽ là lần đầu sau thời gian dài, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng đồng thời là Chủ tịch nước.

Trước phương án này, vừa qua, các chuyên gia, cán bộ lão thành đều thống nhất nhận định, đây là thời điểm chín muồi để áp dụng mô hình việc thống nhất 2 chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đủ điều kiện và uy tín để đảm nhận cả “hai vai”. Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước sẽ giúp sự phối hợp công việc giữa Đảng và Nhà nước, trong đó có việc chống tham nhũng tiêu cực, chắc chắn sẽ tốt hơn so với các năm trước, kể cả so với mấy nhiệm kỳ gần đây.

Sau khi nghe phương án nhân sự được trình, Quốc hội có thời gian để thảo luận trước khi bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước. Chiều mai, 23/10, kết quả bầu Chủ tịch nước được công bố.

P.Thảo