Chủ tịch Quảng Bình lên các bản làng lắng nghe nguyện vọng của dân

(Dân trí) - Gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, trăn trở: “Những nguyện vọng, đề xuất của bà con đều chính đáng. Tỉnh sẽ ghi nhận và từng bước tháo gỡ khó khăn, sớm đáp ứng nhu cầu cho bà con…”.

Một ngày giữa tháng ba, trong chuyến công tác tại hai xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cùng đoàn lãnh đạo các ban ngành, chính quyền địa phương đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp bà con dân tộc trên tinh thần cởi mở, chân tình lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của dân.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân (Thực hiện: Đặng Tài)

“Thoát nghèo không khó, làm giàu mới khó”

Tại xã Thượng Trạch, hàng trăm bà con thôn bản nơi đây đã nêu những nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị trước Chủ tịch tỉnh Quảng Bình. PV Dân trí đã lược ghi những ý kiến được cho là chính đáng của dân: dân cần đất đai để sản xuất, cần cầu cống để qua sông, cần đường sá để đi lại, phòng học cho học sinh, nhà ở cho giáo viên, nhà văn hóa cộng đồng để sinh hoạt, cần hỗ trợ giống bò lai…

Biết tin Chủ tịch tỉnh lên thăm bà con thôn bản, từ sáng sớm đã có rất đông người dân đến Đồn Biên phòng và mang theo bao tâm tư, nguyên vọng...
Biết tin Chủ tịch tỉnh lên thăm bà con thôn bản, từ sáng sớm đã có rất đông người dân đến Đồn Biên phòng và mang theo bao tâm tư, nguyên vọng...
Nhiều em nhỏ, thương binh cũng đến để trực tiếp gặp và đề xuất với Chủ tịch tỉnh
Nhiều em nhỏ, thương binh cũng đến để trực tiếp gặp và đề xuất với Chủ tịch tỉnh

Sau khi nghe nguyện vọng của bà con, ông Hoài đã đưa ra chỉ đạo sát sao từng vấn đề cụ thể. Đối với hỗ trợ bò giống đề nghị huyện Bố Trạch lập danh sách theo từng đợt, đồng thời phối hợp với tỉnh từng bước hỗ trợ đồng bào. Còn việc đầu tư phong học cho các cháu là rất cần thiết, đề nghị huyện rà soát và có phương án cụ thể trình lên để tỉnh xét duyệt, vấn đề nhà ở giáo viên có thể để sau. Về nhà văn hóa thôn bản là rất quan trọng, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng nhà văn hoá xã, sau đó từng bước đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn.


Ông Hoài lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân.

Ông Hoài lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân.

Riêng về vấn đề đất đai, ông Hoài chỉ đạo huyện Bố Trạch và xã Thượng Trạch rà soát những hộ nào chưa có, thiếu đất đai canh tác thì phải cấp ngay cho bà con để có tư liệu sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, sớm thoát nghèo.

Về cầu cống và đường sá cho bà con đi lại, tỉnh cũng đề nghị huyện Bố Trạch kiểm tra và có phương án cụ thể, nếu làm cầu, đường với nguồn kinh phí lớn thì tỉnh phải kêu gọi đầu tư, xin nguồn của Chính phủ. Còn làm cầu tạm, đường đất thì có thể tỉnh sẽ trích một nguồn kinh phí, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ thì sẽ làm sớm cho bà con.

Bà Y Mèng, bản Cà Roòng 1 đề đạt nguyện vọng với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài: Bà con chúng tôi cần đất đai để sản xuất, cần bò giống để chăn nuôi....
Bà Y Mèng, bản Cà Roòng 1 đề đạt nguyện vọng với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài: "Bà con chúng tôi cần đất đai để sản xuất, cần bò giống để chăn nuôi...".

“Có 3 yếu tố để thoát nghèo: Thứ nhất, thoát nghèo bằng cách từng gia đình, từng hộ dân phải nỗ lực phấn đấu; Thứ hai, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước; Thứ ba, kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân. Tuy nhiên, điều quan trong nhất để thoát nghèo là dựa vào chính từ sự nỗ lực, phấn đấu của từng người dân. Tôi nghĩ thoát nghèo sẽ không khó, làm giàu mới khó. Để thoát nghèo, chúng ta phải cần cù, chịu khó”, ông Hoài phân tích.

Nói rồi ông Hoài lấy ra dẫn chứng cụ thể như bà con người Bru Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh họ bảo rằng không cần tiền hỗ trợ của Nhà nước nữa, chỉ cần tỉnh cấp sổ đỏ đất trồng rừng là họ có thể tự lao động sản xuất, sớm thoát nghèo.

Qua đây, ông Hoài cũng đề nghị chính quyền địa phương các xã miền núi phải cử hai người đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến trong và ngoài tỉnh để về truyền đạt cho bà con vận dụng và đưa vào lao động sản xuất. Có như thế, con đường thoát nghèo mới được rút ngắn lại.

Trước đó, tại xã Tân Trạch, sau khi nghe lãnh đạo xã báo cáo hiện tại toàn xã có 49 ngôi nhà của đồng bào xuống cấp nghiêm trọng, ông Hoài cho biết, trước mắt tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để khắc phục, sửa chữa tạm thời, còn về lâu dài tỉnh sẽ lên phương án kêu gọi nguồn kinh phí đầu tư làm nhà kiên cố.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân đã hứa tỉnh sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, sớm đáp ứng nhu cầu cho bà con
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân đã hứa tỉnh sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, sớm đáp ứng nhu cầu cho bà con

Làm việc tại xã nà y, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo huyện Bố Trạch trực tiếp nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đồng bào sớm chủ động nguồn lương thực cho cuộc sống; đối với nguồn nước ô nhiễm, Sở Xây dựng phối hợp với Trung tâm nước sạch tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu tìm ra phương án xử lý giúp đồng bào.

Quyết không để bà con thiếu đói mùa giáp hạt

Tân Trạch và Thượng Trạch là hai xã miền núi gần biên giới Việt – Lào, thuộc hàng khó khăn nhất ở tỉnh Quảng Bình. Hai xã có gần 700 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, khoảng 95% là hộ nghèo. Số hộ thiếu ăn trong thời gian giáp hạt khoảng trên 70%. Trong những năm qua, đồng bào dân tộc ở đây chủ yếu sống nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Trong buổi tiếp xúc với bà con, ông Hoài chỉ đạo huyện Bố Trạch cũng như chính quyền địa phương hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch phải thường xuyên quan tâm đến đời sống đồng bào, đặc biệt không để bài con thiếu đói trong mùa giáp hạt. “Đây là chỉ đạo quyết liệt của tỉnh. Nếu địa phương nào để bà con thiếu đói mùa giáp hạt thì địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Hoài khẳng định.

Quyết không để bà con đói mùa giáp hạt, ông Nguyễn Hữu Hoài chỉ đạo
"Quyết không để bà con đói mùa giáp hạt", ông Nguyễn Hữu Hoài chỉ đạo

Cũng trong chuyến công tác này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài đề nghị Đồn Biên phòng Cà Roòng và Đồn Biên phòng Cồn Roàng ngoài việc đảm bảo an ninh biên giới, an ninh quốc phòng cần phải có trách nhiệm cùng huyện, xã vận động, “bắt tay chỉ việc” cho bà trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

“Thượng Trạch có đất đai rộng lớn. Vì vậy tôi đề nghị địa phương và các ban ngành liên quan cần phải nghiên cứu trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với thời tiết và khí hậu nơi đây. Tôi nghĩ đất đai ở đây tương đối màu mỡ nên có thể trồng sắn, ngô, gừng, tỏi, hành... Đặc biệt, hiện nay trồng sắn đang phát huy hiệu quả kinh tế rất cao”, ông Hoài đưa ra quan điểm.

Đặng Tài