Chủ tịch QH: “Lấy ý kiến sửa Hiến pháp phải tránh hình thức”

(Dân trí) - “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, tập trung trí tuệ và tránh cách làm hình thức”.

Đây là một nội dung yêu cầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra về việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 trong thư gửi các đại biểu Quốc hội. Dân trí trân trọng giới thiệu toàn văn thư của Chủ tịch Quốc hội.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH ỦY BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2013

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội

Vừa qua, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Việc sửa đổi Hiến pháp liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân, nên phải được toàn thể nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, việc tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được tổ chức dưới nhiều hình thức thích hợp, thiết thực, bảo đảm phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, tập trung trí tuệ và tránh cách làm hình thức.

Với tinh thần đó, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, bằng trí tuệ, tâm huyết và trọng trách của mình bám sát mục đích, yêu cầu, phạm vi và nội dung lấy ý kiến; tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, cởi mở và chân thành xây dựng, vì sự nghiệp chung của Đảng và nhân dân ta; góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đề xuất với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, với trách nhiệm cao cả của người đại biểu nhân dân, cần dành thời gian thích đáng nghiên cứu, chắt lọc ý kiến đóng góp để thể hiện ý chí của nhân dân, đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị ý kiến của chính mình để thảo luận, hoàn thiện dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 5 và nhất là để thay mặt nhân dân biểu quyết thông qua Hiến pháp tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2013).

Nhân dịp đầu năm mới 2013, xin chúc các vị đại biểu Quốc hội và gia đình sức khỏe, hạnh phúc.
 
                                                                                                                                                                              Chào thân ái!

Nguyễn Sinh Hùng