Chống tham nhũng: “Cá nhân chỉ đánh du kích, bắn tỉa, không hiệu quả”
(Dân trí) - Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), chống tham nhũng phải là sự nghiệp của nhiều tập thể, thậm chí là trào lưu xã hội thì mới có cơ may thành công, cá nhân khó làm được. “Cá nhân chỉ đánh du kích, bắn tỉa và không hiệu quả”, ông Điện nói.
Ngày 6/8, tại TPHCM, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam.
Tại đây, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN cho biết, thời gian qua, mặt trận các cấp đã nâng cao năng lực tham gia góp ý, phản biện xã hội góp phần hoàn thiện cơ chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Đồng thời, tích cực thực hiện các chương trình phối hợp giám sát, trong đó chú trọng những nội dung, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, mặt trận đã xây dựng cơ chế và triển khai quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, về suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Song ông Mẫn cũng cho rằng, vai trò, trách nhiệm tham gia công tác phòng chống tham nhũng của mặt trận các cấp chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của người dân.
Theo ông Mẫn, xã hội, nhân dân kỳ vọng nhiều hơn ở tính tích cực, chủ động, mạnh mẽ và năng lực giám sát, phản biện của mặt trận thông qua việc phát hiện chính xác, kịp thời, không né tránh, có chính kiến trong phòng chống tham nhũng.
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng tham nhũng là giặc nội xâm rất tinh vi, đội lốt, ẩn mình trong hệ thống chính trị nên khó nhận ra và phòng chống không đơn giản.
Từ đó, ông Huỳnh Đảm đề nghị mặt trận cần phải phát huy vai trò để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh. Ông đề nghị mặt trận tiếp tục kiến nghị để có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ hoặc mỗi năm một lần đối với những người do HĐND bầu ra. Lấy phiếu tín nhiệm để có cơ sở đánh giá một cách chính xác cán bộ.
Theo ông, muốn phát huy vai trò của mặt trận trong công tác chống tham nhũng thì mặt trận phải mạnh, đội ngũ cán bộ mặt trận phải đủ bản lĩnh. Mặt trận có mạnh mới giám sát phòng chống tham nhũng được.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, việc phát hiện tham nhũng, lãng phí được thực hiện qua nhiều kênh như các đợt tiếp xúc cử tri, qua hệ thống Mặt trận, HĐND, báo chí, đơn khiếu nại, tố cáo… Nguy cơ tham nhũng có thể có nhiều, vấn đề là phân công cách xử lý và triển khai thế nào cho hiệu quả.
Để công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong hệ thống mặt trận hiệu quả, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, mặt trận 63 tỉnh, thành giới thiệu ít nhất một trường hợp điển hình liên quan đến tham nhũng, lãng phí do mặt trận kiến nghị và được xử lý có kết quả, tập hợp lại thành một quyển sách nhỏ. Điều này giúp nhìn thấy được vai trò và kinh nghiệm của mặt trận trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), chống tham nhũng phải là sự nghiệp của nhiều tập thể, thậm chí phải là trào lưu xã hội thì mới có cơ may thành công, một cá nhân khó làm được.
“Một cá nhân thì không chống được tham nhũng, cá nhân chỉ đánh du kích, bắn tỉa và không hiệu quả”, ông Điện nói.
TS Điện đề nghị xây dựng bộ quy tắc đạo đức trong tổ chức xã hội, trong đó hội viên cam kết không hợp tác, tiếp tay cho tham nhũng. Trường hợp tổ chức là một hiệp hội của các doanh nghiệp, hội viên phải cam kết không dựa vào tham nhũng để tổ chức, triển khai hoạt động kinh doanh. Nếu vi phạm, hội viên phải bị khai trừ khỏi tổ chức.
Quốc Anh