Chính phủ tự tin vào tăng trưởng, Quốc hội lo 6,7% vẫn là thách thức lớn

(Dân trí) - Thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế xã hội mà Chính phủ nhấn mạnh kết quả nổi bật tăng trưởng GDP cả năm 2017 sẽ đạt 6,7%, UB Kinh tế của Quốc hội vẫn cho rằng con số này là một thách thức lớn…

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội cùng được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 12/10.

GDP khoảng 225 tỷ USD, thu nhập bình quân 2.400USD

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh. Lãi suất giảm từ 0,5-1%; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán khởi sắc, vượt mốc 800 điểm trong vòng 9 năm qua, thu ngân sách đạt khá, nợ công trong giới hạn quy định.

Chính phủ nhấn mạnh, kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD.

Kết quả này là sự đóng góp của tất cả các ngành, lĩnh vực, thể hiện ở mức tăng cao, đồng thời ở cả 3 khu vực. Nổi lên là tăng trưởng cao ở khu vực công nghiệp và xây dựng (7,6%), trong đó, đóng góp chủ yếu là của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,9%), nhờ sự mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng đột biến của các doanh nghiệp lớn thuộc ngành điện tử, điện thoại (như nhà máy Samsung), ngành thép (như nhà máy Formosa). Khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,6%) với sự khởi sắc của dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong nước (tăng 8,7%), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt khách, tăng 30%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó đóng góp chính là ngành thủy sản, tăng 5,5%...

Báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng, nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng cao so với năm 2016, phản ánh kết quả tăng trưởng năm 2017 là hợp lý. Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4% (cao gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng GDP và cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016). Thu ngân sách nhà nước ước tăng 10,1% (cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng GDP), huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,4% GDP, tăng 12,6% (cao gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016), trong đó vốn FDI thực hiện tăng mạnh, ước đạt 17 tỷ USD, tăng 7,5%...

Những chỉ báo lo ngại

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cảnh báo nhiều chỉ dấu đáng lo ngại.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cảnh báo nhiều chỉ dấu đáng lo ngại.

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, UB Kinh tế cho rằng, cả 13 chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch là kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo một số ý kiến thì việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

UB Kinh tế chỉ rõ bất cập, đến nay chưa có chiến lược tổng thể với lộ trình hợp lý, tính gắn kết yếu để giải quyết căn cơ những hạn chế, yếu kém, như: nợ xấu, bội chi ngân sách và nợ công, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chuyển giá, phí sang cơ chế thị trường cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam... Cơ cấu lại các ngành kinh tế ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, còn lúng túng, chưa gắn với thị trường.

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn như phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% (so với chỉ tiêu khoảng 18% từ đầu năm), đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thúc đẩy tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh nợ xấu còn cao... cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cảnh báo, trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.

Về con số tăng trưởng 6,7% được báo cáo, UB Kinh tế nêu vấn đề, với điều kiện tăng trưởng quý 4 đạt mức 7,4%-7,5%, nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là thách thức lớn. Vì những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa, bên cạnh đó là rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết…

Ngoài ra, yếu tố cảnh báo về thiên tai, bão, lũ lụt vẫn hiện hữu là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.

Đánh giá chung về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo ngị quyết của Quốc hội, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện.

Có ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp khi tăng trưởng tín dụng cao và dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới kiểm soát lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế.

Có những dấu hiệu cho thấy giá bất động sản tăng bất thường ở một số nơi dưới tác động của đầu cơ; đầu cơ cục bộ cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán. Đây là những chỉ báo gây lo ngại và cần được giám sát chặt chẽ.

P.Thảo