Chính phủ báo cáo thành tích xử lý án tham nhũng là điểm sáng

(Dân trí) - Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, nghị quyết giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV tới nay của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trình bày trước Quốc hội sáng 30/10, dành dung lượng đáng kể cho lĩnh vực đấu tranh, điều tra tội phạm…

 

Chính phủ báo cáo thành tích xử lý án tham nhũng là điểm sáng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết chất vấn, nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.

Ngành công an thực hiện hướng dẫn việc áp dụng pháp luật về điều tra, xử lý tội phạm, quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Chính phủ cũng xây dựng quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc về kinh tế, tham nhũng.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 96 năm 2015 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Để đảm bảo việc chống oan sai, Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án tổng thể về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự.

Các cơ quan của Chính phủ tham gia các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng tại một số địa phương.

“Do triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, công tác điều tra, xử lý tội phạm có những chuyển biến tích cực, rõ nét” – báo cáo của Chính phủ nêu nhận định.

Theo dó, việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng từng bước đi vào nề nếp, đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn bỏ lọt tội phạm, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Chất lượng điều tra khám phá tội phạm được nâng lên. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt 80,37% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra), án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 88,78%.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng nhấn mạnh, công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh, là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra các cấp đã được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

2 Bộ giảm 7 Tổng Cục, 3 Bộ lập mới 3 Tổng Cục

Một vấn đề khác được Chính phủ báo cáo cụ thể là kết quả việc thực hiện nghị quyết giám sát tối cao về việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, với nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018-2019 theo yêu cầu của Quốc hội về hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy, thời gian qua, Chính phủ đã soạn thảo, trình, đề xuất sửa 4 luật: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010. Chính phủ cũng hoàn thành việc ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thực tế việc rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn dẫn tới kết quả giảm được 6 Tổng cục thuộc Bộ Công an, tổ chức lại 125 cục và tổ chức tương đương thuộc Bộ Công an xuống còn 60 cục và tổ chức tương đương, nhập 20 cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh vào cơ quan Công an cấp tỉnh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết định giảm 1 Tổng cục thuộc Bộ Công Thương. Số đầu mối Bộ Công Thương đã giảm 5 đơn vị (từ 35 Vụ, cục và tương đương xuống còn 30 đơn vị như hiện nay); giảm 15 Vụ thuộc Bộ.

Ở hướng ngược lại, Chính phủ cho thành lập mới 3 Tổng cục: Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.

Trong 3 năm (2016 – 2018), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện, giảm từ 1,7% đến 2,9% so với biên chế được giao năm 2015. Biên chế sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của 62 địa phương đã giảm 3,16% so với năm 2015.

Cụ thể hơn, trong lĩnh vực nội vụ, kết quả thẩm tra từ năm 2015 đến giữa năm 2018, tổng số lượng biên chế tinh giản được trong bộ máy hành chính là xấp xỉ 40.000 người. Các cơ quan cũng đã thực hiện nghiêm túc chính sách nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định của pháp luật, không đủ tuổi tái cử và biên chế xã hội hóa.

P.Thảo