Campuchia-Lào-Việt Nam nhất trí kết nối 3 nền kinh tế
Trưa 24/11, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9, từ ngày 23-24/11/2016 tại Siem Riep, Campuchia, theo lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Tại hội nghị này, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam với nhiều đề xuất thiết thực, cụ thể trong thời gian tới.
Rà soát lại tình hình hợp tác hai năm qua, kể từ sau Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam 8 tổ chức tại Vientiane, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đều đánh giá tích cực về những kết quả hợp tác đạt được trong nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, giao lưu nhân dân.
Các nhà Lãnh đạo tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của tình đoàn kết, mối quan hệ gắn bó keo sơn của ba nước láng giềng anh em, vì sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia và của ASEAN, vì hoà bình, ổn định của cả khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Campuchia-Lào-Việt Nam trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của người dân ba nước. Nhất là trong bối cảnh khu vực, quốc tế có nhiều biến động khó lường, cả ba nước có quy mô kinh tế còn nhỏ, thì càng phải tăng cường hợp tác, thống nhất lập trường và tiếng nói chung trong đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Quan điểm chung của ba nước là cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tận dụng cơ hội, phát huy mọi nội lực và tận dụng mọi ngoại lực trong phát triển. Về ngoại lực, đó là các đối tác phát triển như Nhật Bản, ADB, và kêu gọi nhiều đối tác khác muốn đầu tư vào khu vực này, kể cả doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Lãnh đạo ba nước nhất trí cần kết nối ba nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng thời gian tới mà lãnh đạo ba nước đều xác định.
"Trên tinh thần đó chúng tôi tiếp tục phối hợp để đảm bảo về kinh tế, đồng thời hợp tác đảm bảo môi trường an ninh chính trị, hòa bình ổn định biên giới; hợp tác văn hóa giáo dục; đặc biệt là phát triển du lịch. Chúng tôi cũng thống nhất phối hợp chặt chẽ thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Trong đó đặt vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thành công quan trọng của Hội nghị lần này, đó là ba Thủ tướng đã ký tuyên bố chung của Hội nghị. Lãnh đạo ba nước đã thống nhất ủy quyền cho đại diện ba nước ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam”, nhằm tạo điều kiện phát triển quan hệ thương mại và đầu tư, thu hút các nguồn vốn vào khu vực tam giác phát triển.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, nhiệm vụ quan trọng mà các nhà lãnh đạo xác định cần sớm thực hiện, đó là xây dựng “Kế hoạch hành động về kết nối ba nền kinh tế”, trong đó, không chỉ kết nối về về giao thông mà cả kết nối về cơ sở hạ tầng khác, năng lượng, thương mại, du lịch, đầu tư.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế đã được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của Lào, Campuchia đã dự thảo được kế hoạch kết nối. Tại hội nghị quan chức cao cấp SOM lần này cũng như cuộc họp của Ủy ban điều phối chung thì dự thảo cũng đã được trao đổi kỹ.
Các bên cũng đã thống nhất trình hội nghị cấp cao đề nghị ba Thủ tướng tiếp tục giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng Lào và Campuchia để từ nay đến cuộc họp của Ủy ban điều phối chung lần tới vào năm 2017 tại Việt Nam sẽ trình được kế hoạch hành động kết nối nền kinh tế ba nước.
Xuất phát từ tiềm năng của 13 tỉnh biên giới ba nước, ba Thủ tướng đã nhất trí xây dựng Kế hoạch phát triền ngành công nghiệp cao su; xây dựng Quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực Campuchia-Lào-Việt Nam. Hai nội dung này sẽ trình Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam 10. Các nhà Lãnh đạo nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam 10 tại Việt Nam vào năm 2018.
Tiếp tục đóng vai trò là thành viên tích cực, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 7 đề xuất của Việt Nam để thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác giữa ba nước. Các đề xuất này đã được các đại biểu hoan nghênh, đánh giá cao.
Cụ thể là xây dựng cơ chế để phương tiện (đăng ký tại) các tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được đi lại thuận tiện trong Khu vực không hạn chế về số lượng; Thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Việt Nam – Bà Vẹt, Campuchia trong năm 2017; Thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ giữa đại diện các cơ quan của Chính phủ Campuchia, Lào, Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào ba nước để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp; Việt Nam sẽ tăng số lượng học bổng đào tạo dạy nghề cho hai nước Campuchia và Lào và huấn luyện để tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN, nâng mức học bổng để tăng chất lượng cuộc sống của sinh viên hai nước Campuchia và Lào; kêu gọi Lào, Campuchia tham gia Công ước về Luật sử dụng dòng nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy đồng thời cùng Việt Nam nghiên cứu tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các dòng nước xuyên biên giới và hồ quốc tế.
Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ ba nước phối hợp xây dựng chương trình vận động ODA và xây dựng chương trình chung xúc tiến đầu tư và du lịch của ba nước; Công ty Viễn thông Viettel đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước, và áp dụng mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương với mức cước trong nước.
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith; gặp gỡ đại diện cộng đồng người Campuchia gốc Việt ở Siem Reap.
Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 đã thành công tốt đẹp, và việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị tiếp tục khẳng định cam kết và vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam. Cùng với sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Campuchia – Lào – Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Theo Vũ Dũng
VOV