Bức ảnh vô giá của nhân chứng lịch sử ngày 30/4/1975
(Dân trí) - Tuổi đã cao, di chứng của chiến tranh khiến trí nhớ người cựu binh Trần Viết Cả không còn minh mẫn. Thế nhưng chỉ cần nhìn bức ảnh lịch sử ông cùng đồng đội chứng kiến Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thời khắc lịch sử ấy như sống lại.
Chỉ vào bức ảnh tư liệu quý giá đã ngả màu theo thời gian được một nhà báo Pháp chụp vào trưa 30/4/1975, tại Đài Phát thanh Sài Gòn, chứng kiến thời điểm Tổng thống nội các Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ông Trần Viết Cả (SN 1950, thôn Hợp Linh, xã Quảng Hợp, Quảng Xương- Thanh Hóa) đọc rõ tên những người đồng đội cùng có mặt trong bức ảnh. Ngoài Đại úy Phạm Xuân Thệ là các chiến sĩ Phùng Bá Đam, Trịnh Ngọc Ước,... Trung tá Trần Viết Cả gầy gò nhưng rắn rỏi, đứng bên trái bức hình, đầu đội chiếc mũ tai bèo, khuôn mặt đầy hân hoan, hạnh phúc.
Trung tá Trần Viết Cả nguyên là Trung đội trưởng Đội trinh sát của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Năm 1968, Trần Viết Cả mới tròn 17 tuổi đã xung phong tham gia quân đội. Sau 3 tháng huấn luyện cơ bản, Trần Viết Cả được gia nhập Đại đội trinh sát, Sư đoàn 304 và tham gia vào mặt trận B5. Đây là mặt trận Trị Thiên - Huế, có vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp khu vực Vĩnh Linh, có đường chiến lược 12 (nhánh phía bắc hệ thống), đối đầu trực tiếp với Vùng chiến thuật I, Quân đoàn I của Mỹ.
Ông kể: Là lính chiến nhưng chỉ tập luyện 3 tháng, lúc đó, chiến trường cần lực lượng bổ sung, thế là vừa đi vừa huấn luyện vừa đánh. Những năm chiến đấu ác liệt, bàn chân này đã đặt đến các vùng chiến trường như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…
Đặc biệt, trong trận đánh vô cùng ác liệt ở căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), ông suýt mất mạng vì đạn pháo 155 li của địch. “Lúc anh em chúng tôi tiến công vào căn cứ Nước Trong, địch phát hiện và chúng điên cuồng nã đạn pháo 155 li tứ phía. Nhiều đồng đội của tôi hy sinh. Còn tôi chỉ bị thương nhẹ khi một quả đạn rơi cách tôi chừng hơn hai mét, nhưng nó lại rơi trúng vào một ụ đất to, nếu không chắc tôi cũng không sống được” – người cựu binh già nhớ lại.
Thế nhưng vào trưa 28/4, không trụ nổi trước thế tiến công mãnh liệt của quân ta, địch ở căn cứ Nước Trong bỏ chạy, đơn vị của ông làm chủ trận địa, mở thông đường hành quân tiến vào nội đô.
Sau trận đánh căn cứ Nước Trong, đơn vị ông được lệnh sáp nhập với Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, tiến công vào Sài Gòn để chiếm đánh Đài Phát thanh. Sáng ngày 30/4/1975, người Trung đội trưởng trinh sát Trần Viết Cả cùng đơn vị hành quân, với nhiệm vụ đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn.
Ông nhớ lại: “Dù là lính trinh sát dạn dày kinh nghiệm, trải qua không biết bao nhiêu trận đánh và địa hình ở các chiến trường, nhưng chúng tôi thực sự bối rối ở ngã tư Hàng Xanh, cửa ngõ Sài Gòn, vì không biết đường. Nơi đô thị này đường sá rộng lớn và tấp nập quá, khác hẳn đường rừng quen thuộc mà chúng tôi có thể hành quân trong đêm tối. May mắn là nhân dân rất ủng hộ Quân giải phóng, hỏi người dân nào cũng được chỉ lối tiến vào Đài Phát thanh gần và nhanh nhất. Nhiều người thậm chí còn theo đoàn quân đến tận khúc rẽ”.
Khoảng hơn 9 giờ ngày 30/4/1975, đơn vị trinh sát đã áp sát Đài Phát thanh Sài Gòn. “Khi chúng tôi tiến vào Đài Phát thanh, lúc ấy lính ngụy chạy tán loạn vì không còn khả năng kháng cự. Đơn vị chúng tôi nhanh chóng chiếm giữ đài, đồng thời phân công anh em trong đơn vị chia nhau cắm chốt, bảo vệ toàn bộ hiện trạng cơ quan này. Chừng 1 giờ sau đó, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ và các chiến sĩ khác đưa Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện” – ông nhớ lại.
Chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cửa sắt, chiếc xe Zeep chở Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chạy thẳng vào sân dinh. Ông Dương Văn Minh nhanh chóng được dẫn vào phòng thu âm. Thế nhưng, lúc ấy, thiết bị của Đài bị hỏng, không phát đi lời tuyên bố ấy được.
“Thủ trưởng Phạm Xuân Thệ hỏi những người có mặt xem có ai biết nhân viên kỹ thuật ở đâu, thì một nhà báo nói biết, nên tôi được cử đi cùng để tìm người đó. Đến nhà người nhân viên ấy, tôi mời anh ta đến Đài Phát thanh để sửa chữa hệ thống kỹ thuật phát thanh nhưng người thân của anh không cho đi vì lo sợ cho tính mạng anh ấy. Tôi phải giải thích, hứa sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho anh và đưa anh về nhà sau khi đã sửa xong hệ thống phát thanh, lúc ấy mọi người mới yên tâm cho anh ta đi” - ông Trần Viết Cả nhớ lại.
Sau khi hệ thống Đài Phát thanh Sài Gòn được sửa xong, đúng 11h30 phút, Tổng thống Dương Văn Minh bắt đầu đọc bản tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức sụp đổ.
Cho đến bây giờ khi nhắc lại giây phút chứng kiến thời khắc bàn giao chính quyền lịch sử và thiêng liêng ấy, ông Cả vẫn bồi hồi xúc động. Hạnh phúc hơn là sau này, bức ảnh ghi lại cảnh ông cùng đồng đội trong thời khắc lịch sử đó cũng bất ngờ được gửi về cho ông. Ông nâng niu và cất giữ bức ảnh cẩn thận như báu vật vô giá suốt mấy chục năm nay.
Nguyễn Thùy