Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm "điểm nóng dioxin" của Việt Nam

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã đến sân bay Biên Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thăm khu xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại đây. Sân bay Biên Hòa là nơi ô nhiễm dioxin trọng điểm nhất ở Việt Nam.

Sáng 17/10, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Thiếu tướng Bùi Anh Chung và phái đoàn Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis dẫn đầu đã tiến hành thảo luận về dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Kỳ James Mattis thăm khu xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa
Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Kỳ James Mattis thăm khu xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa

Sân bay Biên Hòa là nơi ô nhiễm dioxin trọng điểm tại Việt Nam, nơi đây có khoảng 500.000m3 đất ô nhiễm. Trong đó, tại phía Nam sân bay có khoảng 200.000m3 đất nhiễm dioxin và phía Tây khoảng 300.000m3.

Hiện nay, Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang triển khai dự án xử lý triệt để dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.

Ngày 11/5/2018, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng phòng không – không quân đã ký kết thỏa thuận cho dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.

Để phục vụ dự án này, tính đến nay, Quân chủng phòng không – không quân đã tổ chức di dời doanh trại, công trình quân sự ra khỏi khu vực ô nhiễm, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình chống lan tỏa chất độc dioxin, tường rào cách ly khu vực ô nhiễm và đường vận chuyển.

Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 dự kiến kinh phí là 390 triệu USD
Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 dự kiến kinh phí là 390 triệu USD

Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 sẽ được triển khai từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến kinh phí để xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa là 390 triệu USD và hoàn thành trong 10 năm.

Ngay sau khi Bộ trưởng James Mattis thăm khu xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đã tiếp đoàn tại khách sạn Tân Sơn Nhất (TPHCM).

Tại đây, Bộ trưởng James Mattis cảm ơn Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dành thời gian tiếp đoàn.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch hoan nghênh Hoa Kỳ trong việc hợp tác tẩy độc môi trường nhiễm dioxin tại Việt Nam thời gian qua.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis
Đại tướng Ngô Xuân Lịch tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh trong hợp tác với Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là khu vực nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Ông đề nghị Hoa Kỳ trong thời gian tới, tích cực hợp tác với Việt Nam để sớm triển khai và hoàn thành dự án.

Chiều ngày hôm trước, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Bộ trưởng James Mattis đến chào xã giao.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vào chiều 16/10
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vào chiều 16/10

TPHCM là điểm dừng của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis trên đường đến dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng tại Singapore.

Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm Việt Nam trong năm 2018, chuyến thăm kéo dài trong 2 ngày 16-17/10 của Bộ trưởng Mattis được cho là nêu bật sự phát triển đáng kể trong quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis cho thấy sự tiếp tục ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, có đóng góp cho an ninh quốc tế. Chuyến đi cũng cho thấy cam kết của chúng tôi trong việc xử lý các vấn đề chiến tranh để lại, vốn là nền tảng cho quan hệ đối tác quốc phòng song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khi chúng ta tiếp tục giải quyết những vấn đề chiến tranh để lại, chúng ta có thể mở rộng hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và cả thế giới.”.

Quốc Anh - Như Quỳnh