Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về lãng phí sách giáo khoa

(Dân trí) - Thừa nhận việc lãng phí sách giáo khoa là có thật, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trước Quốc hội về vấn đề này.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về lãng phí sách giáo khoa - Ảnh 1.

Bộ trưởng GD-ĐT: "Hiệu quả của các biện pháp tránh lãnh phí sách giáo khoa còn hạn chế. Tôi xin nhận trách nhiệm".

Sáng 1/11, trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận) về lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết,  đã có báo cáo tổng thể về nội dung này gửi các đại biểu Quốc hội.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, với thực trạng sách giáo khoa như vừa qua, việc lãng phí là có thật. Đề cập đến nguyên nhân, ông cho biết, thiết kế sách giáo khoa hiện hành có nhiều dạng bài tập khiến học sinh viết, vẽ vào đó, gây lãng phí.

Trước thực trạng trên, Bộ đã chỉ đạo nhằm hạn chế sự lãng phí này, hướng dẫn các thầy giáo, học sinh không viết vào một số loại sách mà ghi ra vở. Cùng với đó, Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa theo hướng tiết kiệm.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, hiệu quả các giải pháp này còn hạn chế.

“Tôi xin nhận trách nhiệm vấn đề này”, ông Nhạ nói.

Giải pháp xử lý tiêu cực thi THPT quốc gia

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề cập đến những sơ hở trong công tác bảo mật dẫn đến tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và yêu cầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo kỳ thi này đạt hiệu quả cao hơn.

Bộ trưởng GD-ĐT cho biết, Bộ đã rà soát quy trình của kỳ thi và đưa ra giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp căn cơ. Thứ nhất, bộ cần xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao chất lượng câu hỏi để xây dựng bài thi chuẩn hóa, bám sát vào đánh giá năng lực của học sinh THPT và có sự phân hóa nhất định để làm căn cứ cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của TƯ Đảng.

Ông cho rằng giải pháp này vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài, hết sức quan trọng và theo đúng cách làm của quốc tế.

Nhóm giải pháp thứ hai là chấm thi để không có lỗ hổng có thể bị lợi dụng. Bộ đã thực hiện các biện pháp công nghệ với tính khả thi cao. Nhóm giải pháp thứ 3 là siết chặt quy trình tổ chức thi, đặc biệt công tác coi thi, chấm thi minh bạch, công khai.

Bộ trưởng Giáo dục quả quyết: "Với 3 nhóm giải pháp trên, chúng tôi có độ chắc chắn trong thực hiện kỳ thi THPT quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết 29 và hoàn thiện theo từng năm, tiến tới kỳ thi trung thực, khách quan, giảm áp lực cho xã hội cũng như tạo sự công bằng cho thí sinh".

Trước đó, vào chiều 31/10, trả lời đại biểu về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những mục tiêu rất quan trọng khi xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là phải giảm tải cho giáo viên, học sinh. Cho đến nay, Ban soạn thảo và các chuyên gia xây dựng chương trình đều bám sát mục tiêu này.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT, đổi mới lần này liên quan đến nhiều hoạt động, do đó, việc chuẩn bị các khâu phải chu đáo, thận trọng, nằm trong thời gian Quốc hội cho phép; nếu được, áp dụng từ năm 2020-2012, đúng theo Nghị quyết 51/NQ-QH. Thời gian đó đủ để Bộ GD-ĐT cùng địa phương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất triển khai. Khi thực hiện rồi thì không có thí điểm.

Theo ông, vừa qua, việc thí điểm tiếng Việt 1 – công nghệ giáo dục quá dài. Cách đây 2 năm, Bộ GD-ĐT đã có khảo sát và vừa rồi đánh giá, tổng kết. Đây là một phương pháp trong dạy học tiếng Việt, không phải thực nghiệm nữa. Tới đây, cùng với VNEN, sách tiếng Việt 1 – công nghệ giáo dục phải thẩm định lại theo yêu cầu đầu ra của chương trình mới, lúc đó sẽ thành sách được sử dụng theo quy định.

“Hiện nay, các công việc thực hiện Nghị quyết 51/NQ-QH đang được chúng tôi tích cực triển khai”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

 

Quang Phong