Bộ trưởng nói về việc buộc Google, Youtube gỡ clip bôi nhọ lãnh đạo

(Dân trí) - “Thời gian vừa qua, chúng tôi đã phát hiện gần 2.200 video clip có nội dung nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông báo với các nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, Google đã giúp gỡ bỏ gần 1.200 video, trong đó gỡ hẳn 1 kênh thông tin phản động là chủ của hơn 500 clip vi phạm” – Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn nói.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn là vị tư lệnh ngành đăng đàn trả lời chất vấn trước UB Thường vụ Quốc hội chiều 18/4.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu vấn đề, môi trường mạng gây nhiều bức xúc như phát tán thông tin không đúng sự thật, kích động bạo lực, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm cá nhân và tổ chức, nhất là các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Người dân rơi vào mê hồn trận thông tin mà thiếu sự định hướng mạnh mẽ. Đại biểu muốn biết Bộ Thông tin – Tuyền thông quản lý, xử lý thế nào với vấn đề này từ cả góc độ hành lang pháp lý và khía cạnh tuyên tuyền?

Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành cùng tham dự phiên chất vấn Bộ trưởng TT-TT.
Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành cùng tham dự phiên chất vấn Bộ trưởng TT-TT.

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cũng hỏi, thông tin xấu trên mạng bôi nhọ lãnh đạo, nói xấu chế độ, rồi tình trạng sân bay bị tin tặc tấn công… nguyên nhân do đâu, giải pháp khắc phục?

Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn giải thích, thế giới ngày nay đang dịch chuyển theo hướng xã hội thông tin, liên tục đặt ra thách thức mới cho cơ quan quản lý. Biểu hiện dễ thấy nhất là sự ra đời của mạng xã hội – một kênh thông tin giúp người dân trao đổi, tương tác không phân biệt không gian, thời gian. Do đặc tính siêu việt đó, mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin mạnh mẽ mà như đánh giá của nhiều nước, đây sẽ sớm trở thành một quyền lực mới, chiếm lĩnh xã hội.

Tại Việt Nam, môi trường mạng rộng mở, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thuộc dạng cao, hiện có 45 triệu người dùng Facebook. Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới.

“Không nên hạn chế mà thậm chí cần phải tận dụng những sân chơi hữu ích này để phát triển xã hội” – Bộ trưởng Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, mạng xã hội như một con đường mà trên đó có cả người tốt và người xấu. Trên con đường đó, tin tức lan truyền một cách chóng mặt, không chỉ tác động đến người dùng trực tiếp mà nó còn lan đến các công sở, tràn trên đường phố, len tới từng góc chợ.

Theo đó, có hiện tượng các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang lợi dụng để chống phá nhà nước, tung tin gây mất niềm tin của người dân, gây hoang mang dư luận.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hầu hết các nước trên thế giới đều đau đầu với vấn nạn thông tin xấu trên mạng xã hội. Tại Việt Nam, nhận thức của một bộ phận người dân về mạng xã hội còn thấp nên nhiều người bị lợi dụng, mạng xã hội trở thành nơi tung tin các vấn đề phản cảm, vi phạm đạo đức, tạo thành vấn đề phức tạp nhất hiện nay. Các nguồn cấp tin tác động bằng việc tung tin giả, phát tán thông tin xấu độc, kích động hằn thù, xúc phạm cá nhân tổ chức, chủ yếu bắt nguồn từ mạng xã hội hoạt động xuyên biên giới đưa vào Việt Nam”.

Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông cho biết, với các trang mạng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, phần lớn đều tuân thủ pháp luật hiện hành. Số vi phạm nếu có hầu hết chỉ đến từ việc cho phép việc chia sẻ, bình luận rộng rãi.

Còn với nguồn thông tin từ mạng xã hội có nguồn gốc từ nước ngoài, theo ông Tuấn, đây là nguồn căn bản phát tán các thông tin xấu độc, bôi nhọ nhà nước, các cấp lãnh đạo.

Với những trường hợp xác định được nhân thân người tung tin trên mạng thì có thể quy trách nhiệm, xử phạt. Năm 2016, Bộ Thông tin – Truyền thông xử lý được 16 trường hợp vi phạm. Riêng ít tháng đầu năm 2017, đã có 10 trường hợp bị xử phạt.

Với những trường hợp không xác định được nhân thân người phát tán thì Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông cho biết, gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38, từ giữa tháng 2/2017, về việc cung cấp thông tin qua biên giới để buộc những đơn vị cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ thông tin sai phạm. Đây là công cụ pháp lý quan trọng với cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ trưởng dẫn chứng, vừa qua Bộ đã cảnh báo rộng rãi về việc nhiều quảng cáo của Google, Youtube đang đặt trên nền những video clip bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Điều này dẫn đến việc các đơn vị, doanh nghiệp đồng loạt dừng quảng cáo trên công cụ Google, Youtube, buộc nhà cung cấp dịch vụ này phải xem lại những nội dung truyền tải của mình.


Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

“Thời gian vừa qua, chúng tôi đã phát hiện gần 2.200 video clip có nội dung nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông báo với các nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, Google đã giúp gỡ bỏ gần 1.200 video clip, trong đó gỡ hẳn 1 kênh thông tin phản động là chủ của hơn 500 clip vi phạm” – Bộ trưởng thông tin, trong cuộc làm việc ngày 17/4 mới đây, Google tiếp tục đồng ý phối hợp hành động để gỡ bỏ những thông tin xấu độc trên các công cụ khác của đơn vị này. Cuối tháng 4 ngày, Giám đốc điều hành của Youtube cũng có lịch tới Việt Nam làm việc với Bộ Thông tin – Truyền thông về vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng trình bày giải pháp phối hợp với Bộ Công an để xử lý các hành vi vi phạm một cách hiệu quả; giải pháp xây dựng công cụ đo lường để phát hiện những thông tin có mức độ lan truyền lớn trên mạng, công cụ đánh giá truy cập web để đánh giá, ngăn chặn tin xấu độc.

Một điểm cốt yếu được người trả lời chất vấn chỉ ra: “Thông tin trên báo chí chính thống nếu không đầy đủ và chậm thì người dân sẽ tìm đến mạng xã hội. Phải khẳng định là người dân vẫn tin vào báo chí chính thống nên người đọc trên kênh thông tin này vẫn áp đảo và đây chính là giải pháp để “đấu” lại với thông tin sai quấy trên mạng. Chúng tôi sẽ chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, như vừa qua, để báo chí nêu được đậm nét về những vi phạm của Google, Facebook. Đó là cách để đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam”.

Về lâu dài thì theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Việt Nam cần có những mạng xã hội tương đương, có thể cạnh tranh với các mạng đến từ nước ngoài, do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng, cung cấp để việc kiểm soát, quản lý nguồn thông tin hiệu quả hơn.

P.Thảo