Chủ tịch Quốc hội: Trả lại tên gọi cũ "trạm thu phí BOT" là được

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, sẽ sớm báo cáo Chính phủ để có tên gọi mới về các trạm BOT cho phù hợp với thực tiễn. Trước trả lời này của Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nên sử dụng lại tên gọi cũ - trạm thu phí BOT.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nên sử dụng tên gọi cũ - trạm thu phí BOT

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nên sử dụng tên gọi cũ - trạm thu phí BOT

Sáng 4/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội làm rõ những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

Giải trình 5 phút trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và sẽ cố gắng thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước để hoàn thiện hạ tầng giao thông, tổ chức vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là vận hành các dự án BOT tốt nhất.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Ông Thể cho biết, tiếp thu ý kiến của cử tri, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT vận tải đã chỉ đạo rà soát và hiện nay đang trình với Chính phủ thay đổi tên gọi trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với luật và các yêu cầu.

“Chúng tôi rất cám ơn dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội đã hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua và chúng tôi cũng khẳng định sớm báo cáo Chính phủ để có cái tên mới phù hợp với thực tiễn”, ông Thể nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ GTVT không cần nghiên cứu thêm. “Tôi thấy cứ trả về tên cũ là được, bây giờ đợi trình Chính phủ thì lâu lắm. Cái tên cũ thì cứ lấy lại thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đề cập đến vấn đề vị trí đặt trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Thể cho biết: “Trong quá trình thực hiện chúng tôi bám sát thông tư 159 của Bộ Tài chính trong đó quy định với trong cùng 1 quốc lộ thì khoảng cách trung bình là 70km thì Bộ Giao thông có quyền quyết định còn trường hợp dưới 70km thì cần có sự thoả thuận với Bộ Tài chính, chính quyền địa phương. Bộ trưởng khẳng định là đã làm đúng quy định”.

“Tuy nhiên tôi cũng xác nhận có nhiều nơi trạm thu phí dày đặc, gây khó khăn cho bà con. Vậy chúng tôi mong cử tri Bình Định thông cảm”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, thể chế vừa qua chưa hoàn chỉnh, nhất là pháp luật về đầu tư công. Về tồn tại trong quá trình triển khai dự án BOT thì Bộ Giao thông đang tiếp thu, tìm giải pháp khắc phục triệt để.

Trước hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa sẽ xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Giao thông quán triệt làm từ cái tâm để phục vụ người dân tốt nhất. Trước các tranh chấp do chưa hoàn thiện thể chế xảy ra tại một số trạm BOT, ông Thể nói khi có dư luận thì Bộ sẽ phối hợp với địa phương tìm hiểu, giải quyết ngay theo hướng đảm bảo lợi ích của người dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết đã có 14 dự án BOT làm trên đường hiện hữu bị dừng, trong đó dừng 4 dự án đã ký hợp đồng; sắp tới Bộ Giao thông chỉ làm dự án BOT trên tuyến đường mới, tạo đường song hành với tuyến cũ để người dân lựa chọn.

Trước phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Bộ trưởng nói hành động dựa trên lợi ích của người dân nhưng thực thế chưa thấy thể hiện việc đó. Đại biểu đưa ra dẫn chứng trong số 17 trạm thu phí BOT đặt sai vị trí, việc giải quyết thời gian qua chỉ toát lên một điều, nếu dân không chịu thì lại dừng thu phí, bổ sung ưu đãi, dân chịu thì thu, sau không chịu nữa thì lại dừng thu. Vậy có phải là hành động vì lợi ích của dân không. Trong khi 17 dự án trong số đó đều là chỉ định thầu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng muốn biết Bộ GTVT hoàn thiện thể chế như thế nào, có 1 luật nào đó chứ nếu không làm vẫn chắp vá và câu trả lời, theo đó, cũng không được căn cơ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đáp, về thể chế thì không thể căn cơ ngay bây giờ được.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói tiếp, 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án thì có dự án là do lịch sử để lại, đã làm thời gian lâu rồi. Khi ông về Bộ thì phải tiếp nhận những dự án đó. Ví dụ trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài, Bộ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Còn với những dự án gần đây, các bên có liên quan cho rằng trạm thu phí đặt ở vị trí đó là hợp lý và nếu muốn di dời thì phải có tham mưu Chính phủ, có một khoản kinh phí để bù cho nhà đầu tư BOT.

Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng rất quan trọng nhưng vì vốn đầu tư lớn nên phải huy động vốn BOT và nhà nước phải bù thêm nên phải lập trạm thu phí ở cả bên Quốc lộ 5 cũ.

Toàn bộ những việc này đều thực hiện theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật và có sự cộng đồng trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, không chỉ là Bộ Giao thông.

Tuy nhiên, vì nguồn vốn ngân sách khó khăn nên khó tổ chức mua lại các trạm thu phí, các dự án. Khi Chính phủ bố trí được thì Bộ Giao thông sẵn sàng mua lại các dự án này. Bộ trưởng mong đại biểu Quốc hội và người dân thông cảm. Bộ cũng cố gắng giảm chi phí của người dân khi đi qua các trạm này một cách tối đa nhất. Theo đó, người dân sống xung quanh trạm 10km đều được miễn phí.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tiếp tục tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng GTVT. Ông Hàm bình luận, Bộ trưởng nói thêm một nguyên nhân là vấn đề do lịch sử để lại. Tuy nhiên, trước khi bàn tới giải pháp mua lại thì đã xem xét lại việc thương thảo dự án BOT trước đây xem ngân hàng, nhà đầu tư cho trách nhiệm gì hay khi vỡ lở ra thì người dân lại phải chịu?


Đại biểu Hoàng Quang Hàm

Đại biểu Hoàng Quang Hàm

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Nghệ An) đặt vấn đề có phải nhà đầu tư BOT có thể kiện lại Bộ nên Bộ vẫn cứ vội vàng trong việc xử lý các trạm BOT đi lạc. Việc cứ giảm giá, giảm cước và kéo dài thời gian thu phí là tư duy không thể chấp nhận được.

Tiếp tục làm rõ các vấn đề trên, ông Thể cho biết, về thể chế, ban hành được luật thì giải quyết được vấn đề hiện nay.

Liên quan đến người dân, ông Thể cho hay, quá trình triển khai dự án Bộ này cũng đã họp bàn lấy kiến của UBND các cấp, còn hiện nay chưa có quy định việc lấy ý kiến tất cả người dân thế nào. Bộ GTVT cũng dựa trên quy hoạch của các tỉnh thành và tuân thủ yêu cầu.

“Cũng liên quan đến người dân về giá đi qua trạm thì chúng tôi cô gắng giảm ở mức thấp nhất”, ông Thể nói.

Tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, cử tri phản ánh, hiện nay ở một số địa phương, chỉ một, hai doanh nghiệp hoặc công ty con của các doanh nghiệp đó được giao rất nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thông qua chỉ định thầu hoặc đấu thầu có hiện tượng dàn xếp mà họ không thể cạnh tranh được. Hiện tượng này kéo dài nhiều năm, tổng giá trị lên đến nhiều chục nghìn tỉ đồng.

“Tình trạng đặc quyền và độc quyền này khiến cho tình trạng cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn... Xin cho biết có việc này hay không? Giải pháp?”, đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng dẫn bài đã đăng trên báo Dân trí về việc kiểm toán 30 dự án BOT, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng và đặt câu hỏi với Bộ trưởng Thể: “Việc nêu như vậy có hay không và nếu có xử lý thế nào? Kiểm toán nêu rồi thì xử lý thế nào vì dính hàng ngàn tỷ đồng của ngân sách và của nhân dân”.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn thông tin trên báo Dân trí để chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn thông tin trên báo Dân trí để chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Thể cho biết, không có dự án nào không tổ chức đấu thầu, không công khai trên trang web đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian 1 tháng theo quy định, các nhà đầu tư nếu quan tâm sẽ nghiên cứu gửi hồ sơ tham gia.

Với dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên, Bộ GTVT tiến hành đấu thầu. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta triển khai nhiều dự án đầu tư BOT nhưng nhiều nhà đầu tư chưa rành thủ tục, ít nhà đầu tư quan tâm. Nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm nên Bộ GTVT không thể tổ chức đấu thầu. Nhiều dự án đã phải kéo dài thời gian thông báo để mong muốn có thêm nhà thầu nhưng không có”, ông Thể nói.

Căn cứ vào Luật vẫn cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu khi chỉ có một nhà thầu tham gia vì bức xúc của địa phương, mong muốn có hạ tầng, bà con trông chờ. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ KHĐT... giám sát chặt chẽ.

“Việc đấu thầu có hình thức hay không? Luật Đấu thầu rất chặt chẽ và các cơ quan chức năng hiện nay cũng tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật Đấu thầu một cách chặt chẽ. Khi phát hiện có hiện tượng thông thầu, vi phạm Luật đấu thầu thì chúng ta căn cứ vào Luật để xử”, ông Thể nói thêm.

ĐB Hoàng Quang Hàm tranh luận lần hai: Nghe Bộ trưởng giải thích thì tôi thấy có thêm một giải pháp: Đây là các vấn đề của lịch sử, còn quan điểm của Bộ trưởng vẫn là thuyết phục người dân và giảm giá. Ngày xưa khi ta làm dự án này thì bộ, ngành, địa phương, nhà thầu và ngân hàng thống nhất với nhau. Người dân có biết đâu, tại sao bây giờ người dân phải chịu? Tại sao bây giờ đường chính chúng ta không chỉ thu phần chúng ta cải tạo thôi?

Chúng ta đã thương thảo với các nhà đầu tư giảm lợi nhuận đúng mức chưa, đã thương thảo với ngân hàng giảm lãi suất chưa? Ngày xưa ba đối tác này thương thảo với nhau làm dự án, giờ vỡ lở ra dân phải chịu thì ông chưa thỏa đáng.

Tại hội trưởng, ông Nguyễn Văn Thể cũng nhận được câu hỏi về việc tái cơ cấu Vinashin, Vinaline. Về Vinashin, ông Thể cho biết, sau khi tái cơ cấu, đánh giá lại rằng việc tái cơ cấu chưa hiện quả và hiện nay Chính phủ thường xuyên họp, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tốt những sai phạm hiện nay của Vinashin.

Còn Vinaline sau thời gian củng cố, năm 2017 đã có lãi trên 500 tỷ đồng, năm 2018 kế hoạch lãi 700 tỷ đồng. “Còn nợ của Vinashin hiện nay vẫn nằm trong phạm vi Chính phủ bảo lãnh. Hiện nay, Chính phủ thường xuyên đưa ra các giải pháp, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ”, ông Nguyễn Văn Thể nói.

Trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời các vấn đề liên quan đến các dự án giao thông BOT, giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Bộ trưởng Giao thông vận tải là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/6.

Quang Phong - Phương Thảo

Video: Kênh truyền hình Quốc hội