Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên
(Dân trí) - Căn cứ nhu cầu lực lượng dự bị động viên cần huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch Nhà nước về xây dựng huy động lực lượng dự bị động viên, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, trang bị kỹ thuật, tài chính trong phạm vi cả nước và phân bổ chỉ tiêu cho Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố.
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định Tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật lực lượng dự bị động viên do Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện.
Theo tờ trình của Bộ Quốc phòng, qua 20 năm thực hiện xây dựng lực lượng dự bị động viên đòi hỏi sự phù hợp trong hoàn thiện phương thức, loại hình, quy mô, tổ chức, biên chế, huy động đơn vị dự bị động viên, dẫn đến một số quy định trong Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên không còn phù hợp.
Số lượng nguồn động viên tuy lớn nhưng mất cân đối theo vùng, miền, địa bàn chiến lược; chất lượng nguồn (chuyên nghiệp quân sự) chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức của các đơn vị dự bị động viên. Số lượng sĩ quan dự bị xếp vào các đơn vị dự bị động viên còn thiếu, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự thấp…
Ngoài ra, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và các văn bản pháp luật có liên quan chưa quy định việc tổ chức xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần… Do vậy việc đăng ký, quản lý, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên hằng năm đối với quân nhân dự bị gặp nhiều khó khăn.
Bộ Quốc phòng nhận định, bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh cục bộ, chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo tiếp tục diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trong khi đó, trên Biển Đông các hoạt động tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn ra ngày càng phức tạp.
Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Điều chỉnh tổ chức quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, đồng thời nâng cao chất lượng của lực lượng thường trực, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu cả về số lượng, chất lượng để sẵn sàng huy động lực lượng đáp ứng yêu cầu là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì thế việc xây dựng dự án Luật lực lượng dự bị động viên thay thế Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên là hết sức cần thiết.
Hàng năm rà soát kế hoạch xây dựng lực lượng dự bị động viên
Theo dự thảo Luật lực lượng dự bị động viên, việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị thực hiện theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chính phủ quy định danh mục, chế độ, thủ tục đăng ký và quản lý phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội.
Căn cứ nhu cầu lực lượng dự bị động viên cần huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch Nhà nước về xây dựng huy động lực lượng dự bị động viên, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, trang bị kỹ thuật, tài chính cho việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên trong phạm vi cả nước và phân bổ chỉ tiêu cho bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đơn vị hành chính tương đương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Căn cứ vào chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương lập kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
Hằng năm từng cấp phải soát xét nội dung kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên để bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp có thay đổi lớn về nhiệm vụ xây dựng, huy động thì phải lập kế hoạch mới trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn.
Theo dự thảo luật, nguyên tắc sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên là sắp xếp những quân nhân dự bị có trình độ chuyên nghiệp quân sự, chuyên môn kỹ thuật đúng với chức danh biên chế. Trường hợp thiếu thì sắp xếp quân nhân dự bị có trình độ chuyên nghiệp quân sự, chuyên môn kỹ thuật gần đúng với chức danh biên chế. Sắp xếp những quân nhân dự bị có nơi cư trú hoặc công tác gần nhau vào từng đơn vị…
Việc sắp xếp sĩ quan dự bị vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên phải có tính năng tác dụng và tiêu chuẩn kỹ thuật đúng với yêu cầu sử dụng trong biên chế của từng đơn vị quân đội. Trường hợp không có phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sử dụng thì được sắp xếp phương tiện kỹ thuật tương ứng.
Bộ Quốc phòng cho biết, dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2019.
Thế Kha