Bộ máy phục vụ 35.000 dân ở TPHCM chỉ phục vụ... 1.000 dân ở Hà Tĩnh
(Dân trí) - Thông tin “sốc” nói trên được Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) Võ Công Hàm thông tin với PV Dân trí liên quan đến nỗ lực sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tinh gọn hiệu quả hệ thống chính trị và các đơn vị hành chính trên địa bàn.
Theo ông Hàm, Đức Thọ là một huyện nhỏ của Hà Tĩnh, nhưng hiện có đến 28 xã, thị trấn. Đáng chú ý, theo ông Hàm, 100% số xã ở địa phương này không đáp ứng cả 2 tiêu chí dân số và diện tích.
Ông Hàm cho biết, với quy mô hơn 100 cán bộ từ cấp xã xuống thôn xóm (bao gồm cả bán chuyên trách), bộ máy hành chính cấp cơ sở ở địa phương này là quá cồng kềnh.
Cùng với cấp xã, nhiều phòng ban của huyện cũng quá chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, cần được sắp xếp lại.
Nói về bộ máy ở cấp cơ sở quá cồng kềnh, Bí thư huyện Đức Thọ đã phải thốt lên khi so sánh với một địa phương ở TP Hồ Chí Minh là xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. “Chúng tôi tổ chức đoàn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng bộ máy hành chính sửng sốt nhận thấy, trong khi bộ máy hành chính ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi phục vụ đến 35.000 dân; thì cũng bộ máy ấy ở nhiều địa phương của chúng tôi chỉ phục vụ… 1.000 dân. Quá khủng khiếp!”- ông Hàm nói.
Theo ông Hàm, ở huyện Đức Thọ, mỗi năm ngân sách Nhà nước đã phải chi ra không dưới 50 tỷ đồng để chi trả lương cho cán bộ. Đây là chi phí quá lớn đối với một địa phương chủ yếu độc canh cây lúa, nguồn thu thương mại dịch vụ không đáng kể.
Trước thực tế đó, theo ông Hàm, huyện rất ủng hộ việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Để thực hiện chủ trương trên, theo ông Hàm, huyện Đức Thọ đã xây dựng 6 đề án, trong đó có 2 đề án tổng thể về hệ thống chính trị, các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn và 4 đề án chi tiết hợp nhất, sáp nhập ban, phòng cấp huyện.
Theo đó, đối với cấp xã, thị trấn, từ năm 2018 - 2021, huyện Đức Thọ quyết tâm sáp nhập 2-3 xã thành 1 xã, giảm từ 28 xã, thị trấn xuống còn 9 xã, thị trấn.
Huyện cũng đồng thời hợp nhất Văn phòng thống kê, nội vụ xã, thị trấn với Văn phòng đảng ủy xã, thị trấn; hợp nhất 4 tổ chức hội; tiếp tục thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã đối với những nơi có đủ điều kiện.
Theo ông Hàm, việc sáp nhập các xã, phòng ban cấp huyện sẽ giúp huyện giảm tổng cộng hơn 500 cán bộ hưởng lương từ tiền thuế của người dân, trong đó có 200 cán bộ công, trên 300 cán bộ bán chuyên trách, giúp nhà nước tiết kiệm khoảng 50 tỷ ngân sách/năm.
Ông Hàm cho biết, đây là một việc đầy khó khăn, nhưng huyện đã tính toán rất kỹ, có thể làm được và đã được HĐND huyện thông qua. Huyện Đức Thọ cũng đã gửi đề án tổng thể sáp nhập xã gửi Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Hàm khó khăn nhất và là mấu chốt có thực hiện được hay không việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, tinh gọn, hiệu quả của hệ thống chính trị và các đơn vị hành chính trên địa bàn nằm ở cơ chế, chính sách giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ thuộc diện tinh giảm.
“Quá trình tiếp xúc lấy ý từ cơ sở, có thể nhận thấy nhân dân đồng thuận rất cao về việc sáp nhập này, mà người dân đồng thuận là dễ hiểu vì giảm được bao nhiêu thủ tục, kinh phí đóng góp lo cho cán bộ. Cái khó là ở cơ chế, chính sách giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ thuộc diện tinh giảm. Phải làm nhanh, ban hành nhanh cơ chế giải quyết chế độ một cách thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ này thì chủ trương sáp nhập xã, phường, tinh giảm bộ máy hành chính mới có thể thực hiện được như mục tiêu đề ra”- ông Hàm nhấn mạnh.
Được biết, Đức Thọ được Hà Tĩnh chọn làm huyện điểm, xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020.
Văn Dũng