Với phương tiện cá nhân hạn chế, tôi chỉ có thể sưu tầm hoặc tiếp cận được khoảng trên 100 bản đồ cổ của các tác giả thuộc nhiều quốc gia Tây phương thực hiện mà nội dung có phần diễn tả lãnh thổ và lãnh hải nước ta xưa. Đó là các tấm bản đồ rời và đa phần in trong các sách chuyên khoa địa lý cổ. Tôi phỏng đoán thực tế có hàng ngàn bản đồ cổ có nội dung tương tự chứ không phải ít. Tiếc rằng chúng ta chưa có điều kiện thu gom hoặc sao chép để làm tài liệu.
Đất nước ta hiện hình trên các bản đồ Tây phương mới từ đầu thế kỷ XVI, tức cùng thời với châu Mỹ - tân thế giới.
Hầu hết các bản đồ cổ do người Tây phương vẽ từ thế kỷ XVI đều ghi quần đảo Paracel (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) tương ứng với vị trí của Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trên Đại Nam nhất thống toàn đồ. Quần đảo ấy ở giữa biển Đông và bờ biển Paracel (costa da Paracel) luôn được ghi ở khoảng đất liền Quảng Ngãi (vòng tròn đỏ). |
Tóme Pires viết sách Suma Oriental cho biết năm 1523 mới khám phá ra bờ biển nước Giao Chỉ. Năm 1525, Diogo Ribiero vẽ bản đồ nước ta với biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Pracel rồi Paracel) (1). Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha dùng người Mã Lai làm hướng đạo và thông ngôn khi đi tìm đường từ eo biển Malacca tới Trung Quốc qua Việt Nam. Do đó địa danh của ta được ghi lệch lạc bằng cả hai thứ tiếng Mã Lai và Bồ Đào Nha. Thí dụ Cù Lao Chàm thì ghi là Pulo Compello, Giao Chỉ thì ghi là Co Chi rồi tùy theo mỗi thứ tiếng mà ghi khác đi như Cau Chy, Ca Chi, Cochin, vv… Thấy bên Ấn Độ có thị trấn cùng tên Cochin nên họ bèn ghi đây là Cochin gần China, tức Cochinchina.
Diogo Ribeiro, năm 1529.
Livro da Marinharia, năm 1560
Lưu trữ ở La Haye, Hà Lan, 1658
Địa danh Cochinchina chỉ toàn quốc Đại Việt trên các bản đồ cổ từ đầu đến cuối thế kỷ XVI. Từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, địa danh này chỉ Đàng Trong còn Đàng Ngoài thì được chỉ bằng địa danh Tumkin, Tonkin… (Đông Kinh). Dưới thời Pháp thuộc Cochinchine chỉ Nam Kỳ, Annam chỉ Trung Kỳ và Tonkin chỉ Bắc Kỳ. Ngày nay, ít còn ai quan tâm đến nguyên thủy của địa danh Cochinchine. Thậm chí có sách khảo cứu còn cho địa danh này là từ Cô Sinh hay Cô Chín xinh mà ra!
Trên các bản đồ cổ Tây phương, địa danh Cochinchine được ghi vào phần lãnh địa thay đổi về hành chính từng giai đoạn lịch sử như vừa trình bày. Điều đáng lưu ý là phần lãnh hải thì không có gì thay đổi: quần đảo Paracel (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) vẫn ở giữa biển Đông và bờ biển Paracel (costa da Paracel) luôn được ghi ở khoảng đất liền Quảng Ngãi. Giữa quần đảo và bờ biển Paracel, nhiều bản đồ ghi là vịnh hay biển Cochinchine (tức thuộc Giao Chỉ). Đến thế kỷ XIX mới có những bản đồ bỏ tên biển Cochichine và ghi tắt là biển Chine (Mer de Chine, China sea). Không ngờ đến nay, sự ghi nhầm này sinh ra tác hại lớn.
Tôi tin tưởng rằng với tinh thần ca dao truyền thống “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, dân tộc ta sẽ vượt qua mọi trở ngại để giữ vững chủ quyền trên “rừng vàng biển bạc” của Tổ quốc.
Tìm “hình hài” đất nước qua bản đồ Một lần tôi hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: “Vì sao bác mê bản đồ đến như thế?”, ông trả lời vui rằng: “Tôi mong được đi du lịch khắp Tổ quốc mình nhưng vì nhiều điều kiện khác nhau không thể đi hết chiều dài lịch sử, cũng như không thể đi hết mọi nơi. Vì thế tôi đành đi du lịch bằng bản đồ vậy”. Trong suốt 60 năm qua, từ khi là một trí thức trẻ cho đến giờ đã là một lão nhân ngoài 90, mái tóc bạc trắng chỉ còn phất phơ mấy sợi, ông chưa bao giờ ngừng nghỉ khám phá “hình hài” của đất nước. Ông đi khắp những tiệm sách cũ ở Sài Gòn, các kho lưu trữ, những thư viện trong nước, quốc tế, nhiều khi chỉ là những tập sách báo mà người ta bỏ quên ở góc chợ… để tìm kiếm những lưu dấu của Tổ quốc qua các thời đại. Ai muốn biết Việt Nam từ lúc sơ khai nhất trên bản đồ thế giới như thế nào? Việt Nam đi qua bao biến thiên của lịch sử ra sao? Từng thước đất, biên cương hải đảo của Tổ quốc ta tới đâu? Căn nhà nhỏ với hàng ngàn tấm bản đồ của ông sẽ trả lời cho bạn điều ấy. Ông tâm sự: “Ngôn ngữ của nét vẽ luôn thách thức và thu hút tôi. Tôi luôn có cảm giác đằng sau những nét chi chít kia còn ẩn giấu nhiều giá trị chưa khám phá”. Có bản đồ đến cả chục năm trời mới “cắt nghĩa” được nhưng ông chưa bao giờ bỏ cuộc, như trường hợp so sánh Hồng Đức bản đồ với bản đồ của Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Ông bật niềm vui sướng khi thú vị phát hiện: Đắc Lộ bắt chước cách vẽ của bản đồ Hồng Đức. Nhưng đây cũng là bản đồ đầu tiên chú thích các địa danh Việt Nam bằng chữ quốc ngữ phiên âm Latin (thay vì Hán tự như bản đồ đương thời của nước ta), trong đó có ghi rõ những vùng biển, đảo thuộc Việt Nam (Cù Lao Ré - đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày nay và xa ngoài khơi là đảo Pulo Sisi ở đúng địa điểm Hoàng Sa…). Ông đã miệt mài kiếm tìm, góp nhặt từng nét giá trị từ các bản đồ để tạo nên cả một kho tàng lịch sử - văn hóa - chủ quyền quốc gia của Việt Nam ở ngay tại nhà mình - nơi ông đã dành tặng gần cả đời cho lịch sử nước nhà. MINH CƯỜNG |
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Pháp luật TPHCM
(1) P.Y. Maguin, Les Portugais sur les côtes du Việt Nam de du Campa.BEFEO. Paris, 1972, tr. 28