Anh Năm với nghệ sĩ khu 5

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn gọi đồng chí Võ Chí Công bằng tên gọi thân mật của ông “anh Năm Công”. Những tình cảm Đoàn Minh Tuấn dành cho thủ trưởng cũ Võ Chí Công vẫn vẹn nguyên theo năm tháng.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này của nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã đăng trên báo Thể Thao& Văn Hóa như một hồi ức để tưởng nhớ đồng chí Võ Chí Công.

 

***

 

Lần đầu tôi gặp anh Năm vào cuối mùa Đông năm 1974 ở Liên khu 5, tôi còn nhớ trời hôm ấy lạnh lắm. Anh Bảy Hữu đưa tôi đến chào anh Năm để vào chiến trường Buôn Mê Thuột. Anh Nguyễn Xuân Hữu (Bảy Hữu) là Thường vụ Khu ủy phụ trách tuyên huấn mấy lần ra Hà Nội gợi ý xin tôi vào chiến trường Liên khu 5. Giờ được vào khu đã lâu nhưng đây là lần đầu tôi được đến chào anh Năm.

 

Quan tâm đến văn nghệ sĩ từ thời chiến tranh

 

Anh Năm rất quan tâm đến anh em văn nghệ sĩ, những năm chống Mỹ ác liệt, có lần đoàn văn công tập dợt chương trình để chào mừng Đại hội Đảng bộ Khu, anh Khánh Cao đạo diễn (ba của NSND Trà Giang giờ gần 100 tuổi) có mời anh Năm đến dự, nhưng anh bị bệnh chân run không bước nổi. Tuy vậy, anh Năm đã nhờ anh em bảo vệ cáng anh trên chiếc võng để xem biểu diễn. Lần ấy, anh mệt vì những cơn sốt rét rừng triền miên, mà vẫn ráng sức đi động viên anh chị em nghệ sĩ đoàn ca múa Khu 5. Anh xem từng tiết mục, nghiền ngẫm và góp ý sửa chữa.

 

Anh Khánh Cao kể: “Những năm giữa thập niên 1960, chiến tranh vô cùng ác liệt, những trận càn liên miên, nhưng anh Năm vẫn cho gọi tôi đến làm việc, góp ý từng điệu múa, từng hoạt cảnh và nhấn mạnh sửa từng chi tiết”. Chiều hôm cuối mùa mưa 1974, núi rừng Trà My (tỉnh Quảng Nam) bừng sáng, lớp lớp cây bằng lăng cao cao nhìn lên thấy cả mây trời cuồn cuộn, báo hiệu một mùa Xuân mới cho chiến trường Khu 5 tiến công và nổi dậy. Anh Năm dặn dò tôi trước mặt anh Lê Sâm - Trưởng ban Tuyên huấn Khu 5: “Chú ý phản ánh trong các bài viết về tình hình nhân dân nổi dậy phá ách kèm kẹp của giặc trong khắp các thôn xóm, buôn làng”. Anh Năm nói một câu mà tôi nhớ đời: “Vũ trang nhưng không có nổi dậy của nhân dân làm sao giữ vững chính quyền được”. Anh Năm biết tôi nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn Võ trang tuyên truyền Khu tại mặt trận Tây Nguyên là rất khó khăn, vì phải vừa hành quân vừa len lỏi vào các khu dồn dân của giặc, vừa chiến đấu vừa tuyên truyền trong dân chúng. Hồi ấy, đoàn chúng tôi hoàn thành được nhiệm vụ khiến các anh rất hài lòng. Bài vở gửi về Đài Giải phóng kịp thời, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong nước và thế giới.
 
Anh Năm với nghệ sĩ khu 5  - 1

Ngày 12/8/1991, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công gặp gỡ và nói chuyện với các anh phụ trách và các cháu thiếu nhi. (Ảnh: TTXVN)

 

Thủ trưởng cũ Võ Chí Công khóc thương lính - nhà thơ Thu Bồn

 

Hòa bình, tôi về Đài Truyền hình Giải Phóng TP.HCM do anh Huỳnh Văn Tiểng (từng làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ) làm giám đốc. Hôm anh Năm đến thăm đài với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng), anh Huỳnh Văn Tiểng tiếp đón, anh Năm nhắc anh Tiểng cho gọi tôi. Lúc ấy, tôi vừa công tác miền Tây Nam bộ về, mồ hôi nhễ nhại đến chào anh, anh ôm tôi vỗ vỗ vào vai vui mừng vì còn sống sót và còn gặp lại nhau. Anh lại hỏi tôi về anh em nghệ sĩ Khu 5 giờ còn những ai sinh sống tại TP.HCM.

 

Sau này, nhiều lần tôi và anh Trương Công Huấn - nguyên Phó Ban tuyên huấn Khu 5 đến thăm anh, anh rất mừng. Có lần, chúng tôi vào bấm chuông nhà anh ở đường Tú Xương (Q.3, TPHCM), anh em bảo vệ hỏi: “Có đăng ký làm việc với bác Năm không?”. Anh Huấn trả lời: “Anh em Khu 5 đến thăm thủ trưởng cũ, chẳng có đăng ký gì”. Chúng tôi hơi to tiếng với nhau, anh Năm nghe thấy liền bảo: “Cho anh em văn nghệ sĩ Khu 5 vào”.

 

Anh Huấn thay mặt anh em tặng anh Năm ba tập sách Làng Tuyên - hồi ký của anh chị em văn nghệ sĩ Khu 5. Anh Năm nói lúc trước có đọc vài bài đăng báo Nhân dân, trong đó có bài tường thuật trận đánh mở màn ở Buôn Mê Thuột do tôi viết. Anh bảo viết như thế là tốt, rất cảm động về tình nghĩa quân dân các dân tộc Tây Nguyên. Rồi anh thân tình rót rượu mời chúng tôi, gọi là “thưởng tướng, khao quân”.

 

Ngày nhà thơ Thu Bồn mất, chúng tôi vào báo tin và thăm anh vì trước đó anh bị mệt cả tuần. Chúng tôi xin anh cho một vòng hoa để viếng nhà thơ Thu Bồn của đất Quảng - Khu 5. Anh bùi ngùi nói: “Ai chứ Thu Bồn thì mình đến viếng, đâu cần phải xin vòng hoa”. Và anh em phục vụ dìu anh đến Nhà Tang lễ TP.HCM trên đường Lê Quý Đôn. Anh vào thắp hương viếng nhà thơ Thu Bồn. Trông cái cảnh bác Năm Công đầu bạc trắng đến vịn vào quan tài Thu Bồn màu đỏ chói, mà nghĩ thương cho Thu Bồn “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng thật là xót xa”. Lẽ thường, Thu Bồn sẽ đến viếng thăm anh Năm nhưng anh Năm lại đến khóc Thu Bồn.

 

Chiều nay, TPHCM trời mây u ám tiễn đưa anh Năm, chắc trên trời Thu Bồn đang ôm anh - anh Năm Công tình nghĩa và rất yêu quý văn nghệ sĩ.

 

TPHCM, ngày 9/9/2011.

Đoàn Minh Tuấn
 

Theo Thể Thao &Văn Hóa