918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Đó là số liệu trong dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được công bố sáng 27/10.
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X khu vực phía Bắc, nhiều ý kiến từ các cấp ủy đã góp phần hoàn thiện bản dự thảo báo cáo cũng như đề xuất những kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn Nghị quyết trong thời gian tới.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ và đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và truyền thông về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên và người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTN, LP) được nâng lên. Thể chế về PCTN, LP được hoàn thiện hơn; một số giải pháp phòng ngừa bước đầu phát huy hiệu quả trong PCTN; vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội, báo chí và nhân dân trong PCTN, LP ngày càng được phát huy; các cơ quan, đơn vị chức năng từng bước được củng cố kiện toàn; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá tốt.
Việc xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu để xảy ra tham nhũng được quan tâm, phát huy kết quả bước đầu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trong 10 năm qua, cả nước đã có ; chuyển vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những ý kiến góp ý tại hội nghị. Đồng thời đề nghị các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, quan điểm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Luật PCTN và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đẩy mạnh nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, LP để đảm bảo công tác PCTN, LP có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật PCTN để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và tính hình thức của một số quy định về PCTN. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng...
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị, cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng và thực hiện chính sách. Cùng với đó, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác PCTN, LP...
Về những góp ý và kiến nghị đề xuất tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực giao Ban Nội chính Trung ương tổng hợp, hoàn thiện báo cáo.
Theo HH
Báo Đảng Cộng sản