85 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - một chặng đường vẻ vang
Cách đây 85 năm đã diễn ra một sự kiện trọng đại đối với đời sống và vận mệnh của dân tộc Việt Nam - Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam đã họp từ ngày 3-7/2/1930 ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc).
Kể từ thời điểm lịch sử này, Đông Dương Cộng sản Đảng (17/6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (11/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1/1/1930) hợp nhất thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng về đường lối và sự bế tắc về con đường cách mạng đã được giải quyết với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương làm cách mạng vô sản, gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới mà đội tiên phong là Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại.
Sự lựa chọn con đường cách mạng đó là sự lựa chọn của chính lịch sử, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân Việt Nam. Nhờ vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đó là thắng lợi của việc lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên của Đông Nam Á còn hết sức non trẻ.
Trong hoàn cảnh nền kinh tế - tài chính quốc gia kiệt quệ, giặc đói, giặc dốt hoành hành, lại thêm thù trong giặc ngoài quấy đảo với sức mạnh và ý đồ tưởng chừng có thể xóa bỏ trong chốc lát chính quyền cách mạng, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua ghềnh thác, lướt sóng đi lên.
Đó là chiến thắng lẫy lừng của hai cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, gian khổ, chiến đấu chống những thế lực thực dân đế quốc hung bạo, làm nên một “Điện Biên chấn động địa cầu,” “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam.
Đó là thành tựu vô cùng to lớn trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc đủ sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bình ổn đất nước.
Đó là những thành tựu quan trọng đầy ấn tượng của công cuộc đổi mới toàn diện đời sống đất nước. Trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự bao vây cấm vận của chủ nghĩa đế quốc và sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa các nước Đông Âu và Liên Xô, Việt Nam đã không những đứng vững mà còn phát triển, chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và tiến bước vững chắc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Thành quả của sự nghiệp đổi mới đã tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam.
Đó là thắng lợi to lớn trong các quan hệ đối ngoại, mở cửa và hội nhập quốc tế. Quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng được mở rộng, nhất là quan hệ với các nước láng giềng và trong khu vực, các nước lớn và các trung tâm lớn của thế giới, các bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng.
Nhất là những năm gần đây, với việc tham gia tích cực và có trách nhiệm từ các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, trở thành thành viên của WTO, đảm đương tốt vai trò Ủy viên không thường trực Liên hợp quốc, xây dựng cộng đồng ASEAN..., vị trí của Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng cao, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong 85 năm qua là minh chứng hùng hồn về sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh ấy được kết tinh bởi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập tự cường và tinh thần chủ động sáng tạo của nhân dân Việt Nam.
Điều đó càng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan, là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thành công của cách mạng.
Đảng là cội nguồn của sức mạnh dân tộc và Đảng đã kết hợp đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa yêu nước, truyền thống quý báu của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, biết quý trọng và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đưa đất nước vươn lên.
Theo TTXVN/VIETNAM+