Đối thoại với chuyên gia:

“Việt Nam khó đá trước Nhật Bản và Qatar”

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Sau khi theo dõi 2 trận đầu tiên bảng B Asian Cup, HLV Đoàn Phùng cho rằng Việt Nam rất khó tái hiện một “cơn địa chấn” bởi hai đối thủ còn lại đều thi đấu rất tổ chức và nhìn đội chủ nhà bằng con mắt thận trọng hơn.</P>

Không nói về tỷ số, ông thấy cái được nhất của ĐTVN trong trận đấu với UAE là gì?

 

Điều khiến tôi ưng ý nhất chính là công tác tập huấn. Dư luận thường cảnh tỉnh ĐTVN rằng không nên quá chú trọng thành tích trong 2 trận giao hữu với Jamaica và Bahrain, nhưng dưới góc độ chuyên môn tôi đánh giá rằng việc lựa chọn đối tượng giao hữu là rất khoa học và hợp lý.

 

Thi đấu với những đội bóng lớn và có thể lực, thể hình tương đương với các đối thủ Tây Á sẽ giúp ĐTVN bắt quen với UAE và có thể cả Qatar dễ dàng hơn. Quy trình tập huấn tiền thi đấu có ý nghĩa quyết định chiến thắng này.

 

Ngoài ra, cũng phải có những yếu tố khác chứ?

 

Yếu tố quan trọng thứ 2 là tâm lý thi đấu. ĐTVN đá như một anh lính “tay không bắt giặc”, không bị áp lực thành tích nên dễ chơi “bốc” hơn. Theo tôi, trong trận đấu đó các cầu thủ đã chơi 200% chứ không phải là 150% sức lực.

 

Một yếu tố quan trọng khác là khán giả. Khán giả Mỹ Đình quá cuồng nhiệt, và chắc chắn các cầu thủ trẻ của UAE cũng dè chân đôi chút.

 

May mắn nữa, không thể bỏ qua yếu tố này.

 

Về đấu pháp, cần thừa nhận rằng việc lựa chọn lối chơi của HLV là rất hợp lý?

 

Ông Riedl đã có một trận đấu xuất sắc về điều chỉnh đấu pháp. Ban đầu, chúng ta chủ động chơi thấp, đá nhùng nhằng để tìm hiểu đối thủ. Lúc chơi phòng thủ, tuyến giữa đã được tổ chức rất tốt nên các tiền vệ UAE cũng không tổ chức tấn công được dù ép sân.

 

Do chúng ta quen hơn với nhịp độ thi đấu, nên khi VN đẩy nhanh tốc độ trận đấu, tôi không còn nhận ra đấu pháp của UAE nữa. Đối phương đá không rõ ràng, tấn công không ra tấn công, phòng ngự chẳng ra phòng ngự.

 

Nếu nói như vậy, HLV Bruno Metsu cần chịu trách nhiệm?

 

Tôi tôn trọng Metsu vì những thành tích trong quá khứ của ông. Nhưng nếu qua trận đấu hôm 8/7, Metsu tỏ ra quá xoàng. UAE không yếu hơn VN, nếu không muón nói là khả năng tranh chấp, càm bóng vẫn vượt trội, ấy vậy mà khi thua trước không thể điều chỉnh thế trận để tấn công thì không thể gọi đó là một HLV giỏi được.

 

Nhưng không thể có thắng lợi nếu ĐTVN không tấn công đa dạng và biến hoá?

 

Thực ra, lối chơi của ĐTVN vẫn thế, không quá biến hoá như nhiều người vẫn nghĩ. Chẳng qua lúc đối phương đã mất phương hướng, phòng ngự lỏng lẻo thì các con đường đến khung thành cũng mở rộng hơn thôi.

 

Sau loạt trận đầu tiên của các bảng A và B, các đội bóng “chiếu dưới” đều gây bất ngờ. Asian Cup năm nay có phải là giải đấu của những bất ngờ?

 

Tôi không nghĩ thế. Bóng đá thì không thể nói trước quá nhiều nhưng tôi cho rằng loạt trận đầu chỉ là chẳng khởi động. Các đội bóng lớn thường càng đấu càng hay và một khi họ đã bắt nhịp được thì rất khó để lặp lại những “cơn địa chấn”.

 

Hơn nữa, sau loạt trận đầu tiên các đội bóng châu Á đã nhìn Việt Nam, Thái Lan… bằng con mắt thận trọng, cảnh giác hơn nên chắc chắn khi thi đấu họ cũng căn cơ hơn nhiều. Tôi chỉ có thể dự đoán, loạt trận thứ 2 sẽ rất căng và không có nhiều bàn thắng bởi các đội đều tính nước tiến lẫn nước lùi. Những cơn mưa gôn chỉ có thể xuất hiện ở loạt cuối.

 

Có nghĩa là, ông không tin lắm vào khả năng lọt vào Tứ kết của ĐTVN?

 

Riêng trận đấu với Qatar, tôi tin Việt Nam sẽ rất khó đá. Qua trận Qatar - Nhật Bản, Qatar thể hiện một lối chơi rất bài bản, tổ chức khoa học và ý thức tuân thủ chiến thuật cực cao. Nếu VN lao lên tấn công thì chắc chắn sẽ “dính” đòn phản công ngay.

 

Theo tôi, để có điểm trước Qatar, chúng ta cần chơi như trong hiệp 1 với UAE: đá cò cưa, chậm và chắc chắn. Đợi đến khi đối thủ đẩy nhanh tốc độ, ta sẽ có cửa từ những pha phản công. Công Vinh là một tiền đạo phù hợp cho kiểu thế trận này. Theo tôi, trận này hoặc là không có bàn thắng, hoặc là có nhiều bàn thắng và VN có lẽ chỉ có 1 điểm hoặc ít hơn.

 

Nếu có 1 điểm, chúng ta sẽ dễ đá hơn với Nhật Bản và hy vọng UAE chia điểm với Qatar (hoặc một trong 2 đội thắng tối thiểu). Đó gần như là “cửa” duy nhất.

 

Ở bảng B, mỗi đội đều có một tiền đạo được đánh giá rất cao: Matar (UAE), Quintana (Qatar), Takahara (Nhật Bản) và Công Vinh (Việt Nam). Theo ông, tiền đạo nào sẽ toả sáng trong các trận đấu tới?

 

Điều đó còn phụ thuộc vào hệ thống phòng ngự của các đội. Nhưng tôi cho rằng Takahara vẫn là tiền đạo nguy hiểm nhất, không chỉ bởi danh tiếng của anh ta. Trong một thế trận chặt chẽ như trận Qatar - Nhật Bản mà Takahara vẫn ghi được bàn thắng thì anh ta có thể làm điều đó vào lưới hai đội còn lại.

 

Tôi cũng kỳ vọng vào Công Vinh bởi cầu thủ này thi đấu rất nhiệt huyết và luôn ẩn hiện khả năng bùng nổ.

 

Cảm ơn ông!

 

H.K

(Thực hiện)