Giải U21 báo Thanh Niên

Nước mắt tuổi U

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Kiên Trung bật khóc thành tiếng khi nhận chiếc thẻ vàng thứ 2 trong những phút nước sôi lửa bỏng, thủ môn Minh Nhựt đổ gục trong nước mắt ngay sau khi bắt hỏng quả luân lưu cuối cùng… Những hình ảnh này đã quá lâu không xuất hiện ở V-League, thậm chí ĐTQG.</P>

Chiều nay CLB TP.HCM đã vắt kiệt những giọt mồ hôi để chiến đấu theo đúng nghĩa đen. Họ đã mất quá nhiều sức, và họ đã làm tất cả để có được một trận thắng, dù cái cách thắng đó không tưng bừng và bay bướm như cách họ đè bẹp Nam Định, rồi H.Huế.

 

Vào cái phút 85 nóng như lửa đó, chiếc thẻ đỏ được rút ra với Kiên Trung, đồng nghĩa với việc CLB TP.HCM đang bị ép tới bời càng trở nên khốn đốn trước sức công mạnh mẽ của An Giang. Chàng trai tuổi 20 đã bật khóc nức nở như đứa trẻ lên 3, trước khi cắn môi xem đồng đội chiến đấu, để cuối cùng được vỡ òa trong niềm hân hoan tột cùng.

 

Cú sút luân lưu quyết định của Anh Khoa đã đưa CLB TP.HCM lên 9 tầng mây hạnh phúc. Và đó cũng là lúc Minh Nhật - một trong những thủ môn xuất sắc nhất giải, đổ gục xuống với hai dòng nước mắt rơi ngay trên vạch vôi khung thành.

 

Thất bại trong bóng đá, cũng như mọi thất bại trong cuộc đời đều chẳng có gì vui. Nhưng những giọt nước mắt của các chàng trai mới lớn có một điều gì đó rất đặc biệt.

 

Không phải những giọt lệ ủy mị, cũng không phải là dấu chấm hết. Đó là những giọt nước mắt không kiềm được, sau tất cả những gì họ đã làm và muốn làm trên một đấu trường nhiều bước ngoặt.

 

Sau giải U21 này sẽ là cánh cửa đến với giải U21 quốc tế, một cơ hội để đến với ĐT U22, cơ hội để chiếm vị trí trong đội hình 1, để giã từ cái áo tuổi U và bước lên bóng đá đỉnh cao… Một khoảnh khắc thành công hay thất bại có thể khiến sự nghiệp của họ rẽ theo nhiều hướng khác nhau. Là người trẻ, ai chẳng muốn nhìn lên.

 

Có lẽ chính vì thế, các cầu thủ tuổi U có động lực tiềm tàng mà những “ngôi sao” đã chắc chân ở đội hình chính của các đội bóng, hoặc hơn nữa là những “ông sao” đã có chút danh với ĐTQG khó mà có được.

 

Cái động lực đó tương phản hoàn toàn với những người thẳng thừng khước từ tiếng gọi của ĐTQG, và cũng tương phản hoàn toàn với số không ít những cầu thủ nhận lương tiền nghìn USD và hàng đêm vẫn lao mình vào những cuộc chơi bất tận.

 

Cái động lực và những giọt nước mắt tuổi U cũng khiến những người có tâm với bóng đá tự hỏi: phải chăng nền bóng này đang “già” đi bởi những cầu thủ chưa già nhưng đã thích hưởng thụ với cuộc sống phủ phê tiền bạc?

 

Và sống trong nền bóng đó, liệu ít năm nữa những giọt nước mắt có còn rơi khi các cầu thủ trẻ thoát khỏi chiếc áo tuổi U?

 

Hỏi đấy, cũng là trả lời đấy!

 

Tiến Minh