Trước thềm V-League 2007

Kỳ 1: Nhìn mặt tướng

(Dân trí) - Đã thành lệ, từ hai, ba năm trở lại đây, cứ mỗi khi tấm màn V-League hạ xuống là người ta lại chép miệng hỏi nhau: “Năm nay có bao nhiêu ông thầy mất ghế?”. Chuyện mất ghế vốn rất hy hữu trong thời bóng đá bao cấp bỗng trở thành chuyện thường ngày trong thời bóng đá chuyên nghiệp trá hình. Mùa giải này, tình hình liệu có được cải thiện?

Chỉ còn chờ một phát súng lệnh là chuyến tàu V-League 2007 sẽ lăn bánh. Nó sẽ đi qua những sân ga nào đây? Sẽ mang theo những hành khách nào đây? Và trong số những hành khách ấy có bao nhiêu con người sẽ bị bỏ lại khi tàu chưa kịp vào ga cuối?

 

Dân Trí khởi đăng loạt bài nhiều kỳ, điểm lại những gương mặt, dự báo những nguy cơ, phác họa những triển vọng của một mùa giải được dự báo là sẽ hay hơn nhưng cũng sẽ phức tạp, khó lường hơn.  

 

Kỳ 1: Nhìn mặt tướng

 

Nhìn vào 14 ông thầy V-League năm nay, có thể thấy ngay, tỉ lệ thầy ngoại đã giảm đi trông thấy. Nếu không có những biến động lớn thì khả năng chỉ có 3/14 thầy ngoại mà thôi. Phải đặt một chữ “NẾU” là vì bản hợp đồng giữa Đồng Tháp và HLV Chanvit vẫn chưa được ký.

 

Nhưng ngay cả khi nó  được ký thì con  số 3 thầy ngoại đã chứng tỏ một sự biến chuyển lớn về nhận thức. Trong quá khứ, Nam Định từng đã có thời thuê thầy ngoại, Sông Lam cũng từng thuê thầy ngoại, HN.ACB, P.BĐ, BD, ĐN cũng đã từng như thế.

 

Song bây giờ thì tất cả đều quay ra xài hàng nội. Điều này cho thấy cái suy nghĩ mượn một bộ óc ngoại làm cứu cánh cho cả một cơ thể đã không tồn tại nữa. Vả lại, kinh nghiệm đã giúp các đội bóng rút ra bài học: thầy giỏi đến mấy mà trò kém hoặc cố tình kém thì đội bóng cũng đi.

 

Thế thì 3 thầy ngoại - 3 cái ốc đảo của V-League 2007 sẽ tồn tại trong tư thế gì? Sẽ là một Caliso vững như bàn thạch ở ĐT.LA, một Chatchat  thuận buồm xuôi gió ở HA.GL và một Chanvit  “hô mưa, quát gió” ở Đồng Tháp?

 

Hai mệnh đề đầu có thể đúng, vì cơ chế của ĐT.LA và HA.GL lâu nay vẫn là những cơ chế tốt cho thầy ngoại phát tác, còn cái mệnh đề thứ ba liên quan tới ĐT và ông thầy Chanvit thì cần phải đặt bên cạnh một dấu hỏi to(?).

 

Cá nhân người viết cho rằng đây là một phi vụ 5 ăn 5 thua. Một là, lương ông thầy cao ngất (dự kiến hơn 13.000USD/tháng), ít nhiều cũng sẽ khiến các cầu thủ so sánh mà… mủi lòng. Hai là, bản thân lực lượng, cả nội lẫn ngoại của ĐT năm nay chẳng có gì sáng sủa. Thế nên cái ghế của Chanvit (vốn phụ thuộc vào thành tích của đội bóng) rất có thể sẽ lung lay theo thời gian.

 

Về lực lượng thầy nội, quanh đi quẩn lại vẫn chừng ấy gương mặt, chỉ có điều họ chuyển từ đội nọ sang đội kia, hoặc chợt xuất hiện sau một thời gian vắng bóng, từ đó tạo ra những cái ghế mới và những dòng tên mới. Nguyễn Ngọc Hảo từ Khánh Hòa nay quay về cố hương Nam Định, Phan Thanh Hùng trở lại với Đà Nẵng, Lê Hữu Tường xuất hiện ở Khánh Hòa. 3 con người - 3 cái ghế rồi sẽ đối diện với những gì?

 

Nguyễn Ngọc Hảo tiếng là mới, nhưng thực ra cách đây 2 mùa đã từng giúp Nam Định đoạt Á quân, cuộc trở về lần này, lại là một cuộc trở về trong bối cảnh Nam Định đang thay da đổi thịt nhờ có tài trợ mới hứa hẹn nhiều thú vị. Người thành Nam bây giờ thậm chí còn mơ mộng: tướng Hảo sẽ giúp đội bóng tạo được một cú nhảy đột phá.

 

Trường hợp Lê Hữu Tường ở Khánh Hòa có thể không thuận như thế nhưng nhìn chung là sáng, vì ai cũng hiểu Khánh Hòa là một tập thể trẻ trung, giàu khát vọng. Chỉ có Phan Thanh Hùng ở Đà Nẵng là có vẻ chênh vênh. Nhiều người bảo ở mảnh đất này ông Hùng  có nhiều đệ tử nhưng với tính khí bất thường đã trở thành truyền thống của ĐN thì chuyện đi - ở của ông cũng thật khó mà đoán định.

 

Kỳ 1: Nhìn mặt tướng - 1
HLV Vương Tiến Dũng sẽ tiếp tục
mang lại thành công cho HP.HN?
 

 

8 ông thầy còn lại thì gần như ai ở đâu vẫn ở nguyên đấy. Tướng Dũng vẫn gắn tên mình cùng Hòa Phát, Lê Thụy Hải vẫn “hô thần nhập tượng” ở Bình Dương, Đặng Trần Chỉnh vẫn bập bềnh cùng Thép - Cảng, Hoàng Văn Phúc vẫn “cười cười nói nói” với Lê Khắc Chính để tạo thành cặp bài trùng ở HN.ACB…. 8 người 8 hoàn cảnh nhưng đều có một điểm chung là đã gắn bó với đội bóng của mình ít nhất 1 mùa giải. Điều ấy liệu có đảm bảo cho việc sẽ không bị các học trò “xỏ mũi”, để rồi sau đó phải ra đi trong cảnh ngậm đắng nuốt cay?

 

Nhìn mặt tướng, nhìn cái “từ trường” xung quanh ghế điện của mỗi tướng mà dám luận anh hùng thì e là có phần hàm hồ. Song như đã nói, mỗi thầy mỗi cảnh, ít nhất cũng khiến người ta có được những dự cảm, những góc nhìn về con đường trước mắt.

 

Và nói như một trong số 14 ông thầy thì mong mỏi lớn nhất lúc này hóa ra không phải là chuyện mất chức, mà là: “Nếu có mất chức thì  hy vọng nó cũng bắt nguồn từ lý do chuyên môn, chứ không  bắt nguồn từ việc bị các học trò giăng bẫy hoặc chơi trò đá hậu…”./

 

Kỳ 2: Samba và chuyện “tìm đâu ra”?

Phan Đăng