Bóng đá Việt Nam:

Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai?

<P>(Dân trí) - Vào thời điểm cuối năm 2005, những người lạc quan nhất cũng chỉ mong nền bóng này trụ vững sau những cơn bão tiêu cực. Mấy ai dám nghĩ tới những tầm cao mới chỉ sau gần 2 năm trời.

Lọt vào vòng loại thứ 3 Olympic, thắng lớn tại Asian Cup với đội hình trẻ trung và đoạt chức vô địch giải U20 Đông Nam Á - đó là những thành tích xuất sắc nhất trong lịch sử mà BĐVN có được.

 

Không những thế, qua 2 vòng loại Olympic và giải U20 ĐNÁ, BĐVN đã phát hiện thêm 2 lứa tài năng trẻ sẵn sàng làm đội ngũ kế cận cho lớp đàn anh (vốn còn rất trẻ). Cách đây mấy tháng, HLV Riedl còn nói “không thể phát hiện nhân tố mới cho các ĐTQG” nhưng giờ đây điều đó không còn đúng. Có thể khẳng định lúc này BĐVN không thiếu tài năng trẻ.

 

Nhìn dàn cầu thủ tuổi trung bình 24 của ông Riedl thi đấu ngang ngửa với những Oman, Bahrain, Qatar và UAE, nhìn những cậu bé tuổi teen của ông Nguyễn Mạnh Cường thắng giòn giã những Myanmar, Malaysia thì không thể nói BĐVN thiếu tiềm năng, thiếu sức sống được nữa.

 

Quay lại thời điểm cuối năm 2005, khi vụ án “U23 VN bán độ” được đưa ra ánh sáng ngay sau khi vụ scandal “hối lộ trọng tài”, bức tranh buồn của bóng đá VN đã bị quệt lên những vết đen hằn nét. Mùa xuân 2006, cái Cup Mùa xuân được khai sinh rồi khai tử, các sân bóng trong nước đìu hiu mỗi chiều cuối tuần. Cái ĐTQG được ví là con gà đẻ trứng vàng cũng chẳng kiếm nổi một nhà tài trợ.

 

Ấy vậy mà năm nay, bài toán “đầu tiên” đã được giải quyết rất ổn: 2 nhà đồng tài trợ chính với tổng số tiền lên tới 250.000 USD, hàng loạt giải thưởng rình rang và nghe đâu VFF còn đầu tư vào kinh doanh ngân hàng và dự tính có thể trong phút chốc mà kiếm lãi ròng hàng trăm tỷ.

 

Khi các ĐTQG chơi hay, sức hút của bóng đá với các nhà tài trợ cũng lớn dần lên và các nút thắt sẽ dần được gỡ ra.

 

Năm nay, BĐVN có nhiều yếu tố để thành công: có lứa cầu thủ đồng đều, có tiền, có vận may, có một VFF đang cải tổ tích cực.

 

Có thể những Công Vinh, Vũ Phong, Tấn Tài… vẫn chưa sánh được với lứa Văn Quyến, Quốc Vượng nhưng họ đã chứng minh được một sự thật: bóng đá VN không thể đổ vỡ khi mất đi một lứa cầu thủ hư.

 

Ngược lại, BĐVN đã khoẻ khoắn hơn với những con người mới sạch sẽ và trong trẻo.

 

Một chu kỳ thành công đang đến với BĐVN, có thể là quá nhanh chỉ sau hơn 1 năm đập đi xây lại. Điều đó càng đòi hỏi VFF cần chuyển mình nhanh hơn và không ngừng thức thời để nắm bắt vận hội.

 

Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai, còn mức độ và chu kỳ tồn tại của “hồi thái lai” đó đến đâu còn trông chờ vào nỗ lực, tầm nhìn và cách làm của ngành thể thao, mà trước hết là VFF!

 

Gôn