Chọn HLV trưởng ĐTVN: “Cáo già” Peter Withe đối trọng với Calisto

<P>(Dân trí) - Hôm nay, HĐ HLV QG sẽ họp để lựa chọn những ứng viên cuối cùng trình lên VFF. Nhưng thực tế, hai cái tên đã được tô đậm là Henrique Calisto và Peter Withe.</P>

Hội đồng HLV xung đột quan điểm

Trong buổi gặp mặt mới đây nhất ngày 10/3, sự xuất hiện của ứng viên Peter Withe đã khiến sự đồng tình trong lòng Hội đồng HLV quốc gia không còn cao. Nguyên cớ là một thành viên quan trọng của Hội đồng này bày tỏ sự ngưỡng mộ ra mặt với ông Withe, trong khi phe “cánh hữu” gồm 2 thành viên lại “chấm” Calisto và quan điểm này được Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ ủng hộ.

Danh sách đầy đủ 12 ứng viên HLV trưởng ĐTVN

1. Henrique Calisto (1/10/1953, Bồ Đào Nha)
2. Peter Withe (30/8/1951, Anh)
3. Steve Darby (1955, Anh)
4. Stephen Constantine (16/10/1962, Anh)
5. Michael Milorad Urukalo (1952, Nam Tư cũ)
6. John Gorman (16/8/1949, Scotland)
7. Brian Little (25/11/1953, Anh)
8. Eddie Krncevic (14/8/1960, Australia)
9. Jorg Berger (13/10/1944, Đức)
10. Bernd Krauss ((8/5/1957, Đức-Áo)
11. Peter James Butler (27/8/1966, Anh)
12. Scott Anthony O'Donell (16/6/1967, Australia).

Thành viên “cánh tả” của Hội đồng HLV cũng chính là người kịp thời can ngăn VFF trì hoãn ý định gia hạn hợp đồng với HLV Alfred Riedl trước thềm SEA Games 24 và là người khởi xướng ý định đưa thầy ngoại về cho bóng đá nữ Việt Nam. Từ trước tới nay, quan điểm của thành viên này là không ủng hộ Calisto và chỉ coi ông như lựa chọn cuối cùng nếu các phương án khác đổ vỡ.

Nguyên nhân, theo thành viên này, là vì Calisto thiếu sự đa dạng trong các bài tập chiến thuật và đã từng gây khó dễ với VFF trong lần thương thảo trước vào năm 2004 với những yêu sách về lương bổng.

Ông cũng chính là người đã tác động lên VFF, khiến họ tìm mọi cách lôi kéo Peter Withe về với BĐVN nhưng bất thành 4 năm về trước. Thiện cảm của thành viên này đối với HLV Peter Withe xuất phát từ việc đánh giá cao về chuyên môn cũng như ông Withe từng dẫn dắt ĐT Thái Lan nhiều năm trước khi cập bến Indonesia năm 2005.

Chọn HLV trưởng ĐTVN: “Cáo già” Peter Withe đối trọng với Calisto - 1

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ ủng hộ Calisto.

Mức lương dự kiến mà ông Withe đòi khoảng trên dưới 20.000 USD/tháng không phải là rào cản lớn với VFF, mà vấn đề nằm chính ở mức độ rủi ro khi lựa chọn ông này. Dư luận đang nghiêng hẳn về Calisto và nếu chấp nhận một quyết định trái chiều, VFF chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn nếu chẳng may nhà cầm quân người Anh không thành công.

Peter Withe ngày càng mất giá!

Điều khiến người ta hay lầm tưởng về sự nổi tiếng của Peter Withe là sự nghiệp cầu thủ huy hoàng của ông. Cùng Nottingham Forest vô địch giải hạng Nhất Anh (lúc chưa có giải ngoại Hạng) cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ông đã khoác áo Newcasstle trong một thời gian ngắn trước khi đầu quân cho Aston Villa giữa mùa giải 1980/81 với mức giả kỷ lục CLB lúc đó là 500.000 bảng.

Những thời khắc huy hoàng nhất của ông đã gắn liền với Aston Villa. Ông là người ghi bàn duy nhất trong trận Chung kết Cup C1 năm 1982 với Bayern Munich, là cầu thủ Aston Villa đầu khoác áo ĐT Anh dự World Cup.

Chọn HLV trưởng ĐTVN: “Cáo già” Peter Withe đối trọng với Calisto - 2

P.Withe với bàn thắng vào lưới Bayern Munich
trong trận CK Cup C1 năm 1982.

Sự nghiệp huấn luyện của ông bắt đầu từ năm 1991, khi Withe được bổ nhiệm chức HLV trưởng CLB Wimbledon. Nhưng đó cũng là chuỗi ngày buồn của ông. Trong 105 ngày tại vị ở Wimbledon, Withe có duy nhất 1 chiến thắng trong 13 trận đấu thuộc giải VĐQG và liên tục bị cầu thủ kêu ca vì cách quản quân kỳ lạ. Cuối cùng, BLĐ Wimbledon đã phải “trảm” ông để thay thế bằng HLV đội trẻ.

Ông bắt đầu được người Việt Nam ngưỡng mộ với quãng thời gian dài thành công trong “vùng trũng” với bóng đá Thái Lan. Từng dẫn dắt ĐT Thái Lan đi đến 2 chức vô địch Tiger Cup, lọt vào Tứ kết Asian Cup và thống trị ĐNÁ trong nhiều năm, Peter Withe được gọi bằng một nickname rất “kêu”: cáo già.

Rời khỏi chiếc ghế huấn luyện ĐT Thái Lan, ông đã “xỏ mũi” lãnh đạo khoá IV VFF trong cuộc tuyển trạch năm 2004 bằng những lời hứa hẹn trước khi chọn Indonesia làm bến đỗ vì năng lực tài chính và chính sách phát triển bóng đá dài hơi hơn Việt Nam. Nhưng thành công duy nhất của ông là ngôi Á quân tại Tiger Cup năm đó, trước khi bị LĐBĐ nước này “trảm” vào đầu năm 2007 vì ĐT Indonesia không vượt qua vòng bảng AFF Cup.

Sau một thời gian lang bạt, ông lại tìm về với bóng đá Thái Lan dưới cương vị HLV trưởng đội tuyển… sinh viên Thái. Mới đây, ông được LĐBĐ nước này mộ lại làm cố vấn, nhưng không thể hoà đồng do những khúc mắc với Chanvit Phalajivin - HLV ĐTQG đồng thời là công chức bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan.

Chỉ riêng cách ông phũ phàng từ chối VFF khoá IV, rồi lại đệ đơn chạy đua trong cuộc tuyển mộ lần này đã cho thấy vị thế của ông trong làng bóng ĐNÁ không còn như xưa.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm