Sổ tay:

Ai bán, ai mua…

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Chưa có năm nào thị trường cầu thủ nội lại “nóng” như năm nay. Nó chưa “nóng” vì các cuộc chuyển nhượng lớn, mà “nóng” vì những tin đồn sốt dẻo đại loại như Huy Hoàng giá 3 tỷ hay Công Vinh 8 tỷ.</P>

Thực ra chuyện định giá cầu thủ nội lúc này là rất khó, nhất là khi nguồn cung cầu thủ gần như cạn kiệt còn cầu lại tăng vọt do nhiều doanh nghiệp mới rẽ ngang vào làm bóng đá. Nếu như những mức giá 3 tỷ hay 8 tỷ trở thành hiện thực, nó cũng không phải là một cú shock quá lớn bởi đó là một giao dịch trên thị trường và miễn sao cả người bán lẫn người mua đều hài lòng là được.

 

Khổ nỗi, cuối cùng chẳng có một vụ chuyển nhượng nào khả thi và chẳng có cọc tiền tỷ nào được chồng lên bàn cả. Những cái giá mà đâu đó người ta vẽ ra rốt cục cũng chỉ là chủ đề tranh cãi cho những người đại diện cho giá trị đạo đức và những người theo quy luật của kinh tế.

 

Cái cuộc tranh cãi đó rốt cục chẳng đâu vào đâu bởi mức giá mà người chê cao, kẻ bảo thấp đó cũng chỉ là một mức giá ảo. Thậm chí, một “đại gia” mới nổi ở giải hạng Nhất, nơi có ông chủ dám chỉ tay vào mặt các quan chức sở TDTT mà huênh hoang rằng không có tôi thì làm gì cái tỉnh này có bóng đá chuyên nghiệp, đã hôm trước tung tin về kế hoạch “bắt cóc” Huy Hoàng với 3 tỷ tiền lót tay rồi hôm sau… chối bay chối biến.

 

Đến lượt anh lính mới tò te của đất Hà thành cũng dõng dạc tuyên bố sẽ “hốt” trọn cả Huy Hoàng lẫn Hồng Sơn nhưng ngay sau đó dư luận mới được một phen ngớ người vì thực ra cái gọi là “bản ghi nhớ” ký giữa hai bên chỉ là một mớ giấy lộn và Huy Hoàng đã tái ký hợp đồng với TCDK.SLNA.

 

Mới đây nhất là cái tin Công Vinh về Hải Phòng với giá… 8 tỷ mà một vài tờ báo đã đưa. Ngay sau khi biết cái tin này, tân HLV Vương Tiến Dũng chối đây đẩy: “Làm gì có, Hải Phòng tiền đâu mà mua tới 8 tỷ”!

 

Có một cái được trước mắt mà nhiều người nhìn thấy là những cái tên đằng sau các thương vụ ảo này được báo chí nhắc đến nhiều hơn mà không mất một cắc nào tiền PR, quảng cáo. Nói như một đàn anh trong nghề là “đi buôn không vốn”.

 

Nhưng nói cho cùng, những “đòn gió” này cũng chỉ như việc làm của cu Tí đi trộn dưa xấu với dưa tốt để bán kiếm lời. Trước mắt, cu Tí sẽ bán được hàng và kiếm lãi nhưng hành vi khôn vặt đó về lâu về dài sẽ khiến khách hàng cạch mặt cu Tí ra!

 

Nói một cách sách vở thì đó là sự bất đối xứng thông tin mà trong đó người có được nhiều thông tin hơn (chính là người tung ra tin đồn) đã khôn ngoan kiếm lợi cho mình. Còn nói như dân kinh doanh hay nói thì những người này đã đùa với chính chữ tín của mình.

 

Những trò chơi dao này khó tồn tại được lâu và lợi-hại cũng khó đong đếm hết, nhưng nó vô tình làm hé lộ một độ “vênh” rất cần sự minh bạch để khoả lấp: các CLB bóng đá ở Việt Nam chưa phải là doanh nghiệp mà chỉ là một phần trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đó có người làm bóng đá, nhưng cũng có người chỉ chơi bóng đá và cũng có người mượn bóng đá để phục vụ mục đích khác.

 

Và khi bóng đá không thể kiếm tiền để nuôi chính nó mà tự biến mình thành công cụ trong tay ai đó thì dứt khoát đó là thứ bóng đá nguỵ chuyên nghiệp!

 

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm