Ý thức được “định giá” bao nhiêu?

(Dân trí) - Một cặp đôi trẻ ở Kon Tum dự kiến tổ chức đám cưới trong ngày 14/3 và 15/3 vừa rồi, thế nhưng đã quyết định với hai bên gia đình để hoãn lại thời gian dù thiệp mời đã phát cho 800 khách.

Ý thức được “định giá” bao nhiêu? - 1

Có thể nói, trong đời người khó có sự kiện nào trọng đại hơn một đám cưới. Việc hoãn cưới (khi đã mời khách) đối với một gia đình không phải dễ dàng, nói hoãn là hoãn, bởi còn liên quan đến đặt bàn, đón khách và có khi là cả thể diện.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một cách thấu đáo hơn thì mọi việc cũng sẽ được xử lý rất nhẹ nhàng. Người trong cuộc cho biết, lễ cưới là nơi “tụ tập nơi đông người”, sẽ rất nguy hiểm trong thời gian này, khi mà số lượng ca bệnh Covid-19 đang không ngừng gia tăng. Và họ đã quyết định dời sự kiện.

Người xưa nói “cơm chưa ăn, gạo còn đó”. Đám cưới chưa tổ chức lúc này thì vẫn có thể chọn vào một thời điểm khác thích hợp hơn. Đây có thể nói, vừa là một quyết định sáng suốt, thông minh song cũng cần cả sự dũng cảm và quyết đoán. Sự cẩn trọng không bao giờ thừa.

Nhiều người trong chúng ta thường vẫn rất chủ quan, rằng dịch bệnh nguy hiểm thật đấy, nhưng có lẽ vẫn đang ở đâu đó chứ không liên quan đến bản thân mình. Chính suy nghĩ đó đã tạo ra nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao hơn trong cộng đồng.

Bệnh nhân thứ 61, một người đàn ông ở Ninh Thuận, có lẽ đã không thể ngờ rằng mình lại là người dương tính với SARS-CoV-2 trước khi phải nhập viện cấp cứu. Ông này được cho biết là đã tiếp xúc với nhiều người thân trong gia đình, hàng xóm. Và rất đáng chú ý, bệnh nhân này còn dự đám cưới ở địa phương và cũng đã tham dự một buổi lễ tại một thánh đường tại quận Phú Nhuận.

Còn bệnh nhân số 34, có lẽ không cần phải nói. Một hành vi đáng phải bị lên án và trừng phạt vì cố tình che giấu, khai báo nhỏ giọt, gieo rủi ro cho hàng chục, hàng trăm người!

“Tụ tập đông người” là một trong những hành vi “cần hạn chế” nhất trong chiến dịch phòng chống Covid-19 hiện nay. Bài học ở Deagu (Hàn Quốc) vẫn còn đó và đừng ai nghĩ rằng, virus sẽ chừa mình ra.

Tại Iran, hồi tuần trước, hãng tin Al Arabiya đã đăng tải một đoạn video cho thấy, một nam MC kênh truyền hình tỉnh Yazd, Iran đã quỳ gối cầu xin người dân hạn chế tối đa việc ra ngoài trong giai đoạn này khi dịch viêm phổi cấp Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra bùng phát mạnh tại nước này.

Nam MC đã thống thiết nói trong video: “Dịch bệnh không loại trừ một ai. Mối đe dọa này là thật. Tôi nói với quý vị với tư cách một người đàn ông, một người anh em, một người cha, xin hãy lắng nghe tôi. Các ông bố, bà mẹ, các anh chị em, hãy chăm sóc chính mình”. 

Đồng ý rằng, chúng ta không nên thổi phồng thực tế, song cũng đừng nên chủ quan quá mức. Ngày 16/3, trước quy định bắt buộc toàn dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Dù phần lớn người dân đã chấp hành, song vẫn còn có những người thờ ơ, không tuân thủ. Không đeo khẩu trang nơi tập trung đông người, giờ không chỉ là “trái lệnh Thủ tướng”, là vi phạm pháp luật, mà còn là vô trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng.

Trên thế giới, rất nhiều người đã bị thiệt mạng vì Covid-19, không ít hệ thống y tế đã phải bất lực với căn bệnh này, do vậy, đừng quá coi thường dịch bệnh, nhưng cũng đừng hoảng loạn tháo chạy, chỉ khiến tình hình phức tạp hơn. “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”!

Ý thức, hành vi của các bạn trong điều kiện xảy ra dịch bệnh chính là sự an toàn, là sức khoẻ, là của cải, vật chất của cộng đồng có thể sẽ phải dành ra để chi trả cho những hành động “vô ý thức”.

Song hơn thế, định giá của ý thức, còn “đắt” hơn thế nữa. Ý thức phản ánh chính giá trị của con người bạn.

Bích Diệp