Quan có thể sai, nhưng phải đàng hoàng!

(Dân trí) - Những phiên toà kéo dài thường để xác định sai phạm cá nhân trong những vụ án lớn. Những đơn thư khiếu nại của người dân gửi hết cấp này đến cấp khác, báo chí phải viết đến hàng chục kỳ không biết bao giờ có kết quả…

Quan có thể sai, nhưng phải đàng hoàng! - 1

Đến ngày 22/11, sau khi đọc tiêu đề bài viết “Hà Nội: Chính quyền “sai một li”, cụ bà 76 tuổi “đi mười dặm” vẫn chưa tìm thấy sổ đỏ!” đăng trên báo Dân trí, tôi lại càng cảm thấy xót xa.

Tôi nhớ cách đây chưa tới chục ngày, trong lần thứ 3 gặp gỡ người dân Thủ Thiêm sau khi có kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp có giãi bày rằng: “Sau nhiều năm rồi khó mà sửa lại như cũ. Những khuyết điểm, lỗi lầm nào tha thứ được thì mong bà con tha thứ để cùng hợp tác với chính quyền làm tốt nhất. Không phải lúc nào chính quyền cũng đúng”.

Quả vậy, chính quyền cũng chỉ là những con người, mà con người không phải lúc nào cũng đúng, lúc nào cũng giải quyết công việc được một cách chính xác và hợp lý. Lời nói của ông Điệp dẫu sao cũng phần nào xoa dịu được nỗi lòng những người dân Thủ Thiêm, mà trong đó có những người đã phải mất hàng chục năm đâm đơn khiếu kiện.

Có điều, giá như lời xin lỗi chân thành ấy được đưa ra sớm hơn và vụ việc được khắc phục nhanh hơn… Song, lịch sử không có chỗ cho “giá mà”!

Có một sự thật dù muốn dù không cũng phải thừa nhận rằng ý thức về “nhận sai”, “nhận trách nhiệm” của không ít lãnh đạo tại các cấp chính quyền ở ta vẫn còn hạn chế. Cũng có thể vì quy định thiếu chặt chẽ nên “văn hoá đổ lỗi”, “trách nhiệm tập thể” trở nên không xa lạ và cũng có thể là vì ngại/sợ động chạm vào lợi ích nhóm, sợ ảnh hưởng đến uy tín, đến quá trình thăng tiến của bản thân(?!).

Song thực tế, việc đứng ra nhận lỗi, nhận trách nhiệm trong một số trường hợp lại còn nâng uy tín của cá nhân người lãnh đạo, khiến người đó được dân tin tưởng và kính trọng hơn, mà ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành uỷ Hội An là một ví dụ.

Không ít lần ông Sự nhắc lại những sai lầm của bản thân. Như việc ông từng phải lên tiếng nhận trách nhiệm cá nhân, dù là quyết định của tập thể để kịp thời sửa sai, đền bù cho doanh nghiệp vụ duyệt xây nhà hàng tại bãi bồi Hội An năm nào.

Rồi đến vụ chỉ đạo miệng trồng hoa sữa ở Hội An, bị người dân phản ứng, ông Sự cũng đứng ra chịu trách nhiệm rằng: “Đó không phải là lỗi của anh em quản lý đô thì mà là lỗi của tôi. Tôi yêu cầu anh em làm như thế, vì kiến thức về đô thị của tôi quá dốt, quá tồi”. Lãnh đạo Hội An thời đó đã không ngại cúi đầu xin lỗi nhân dân, khắc phục những sai lầm của mình.

Hay như việc trải thảm đầu tư khi tầm nhìn còn hạn chế, ông Nguyễn Sự vẫn cho rằng, đó là món nợ của ông với người dân Hội An: “Đây là sai lầm cả vấn đề tự nhiên, con người đã can thiệp vào tự nhiên quá thô bạo. Những nhà đầu tư không có lỗi, lỗi là những nhà quản lý. Giờ đây, tầm nhìn của mình sâu xa hơn thì đã muộn màng”.

Ông cũng khiến nhiều người bất ngờ vì lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ bổ nhiệm giám đốc Sở KH-ĐT 30 tuổi Lê Phước Hoài Bảo không đúng quy trình ở tỉnh Quảng Nam…

Sau tất cả, người ta vẫn nhìn thấy ở ông Sự một con người tự trọng và đầy chính trực. Như chính ông từng nói: “Người ta có thể chê tôi không giỏi, không sáng tạo; tôi có thể sai lầm chuyện này chuyện nọ, nhưng tôi không để người ta khinh vì việc chạy trốn trách nhiệm”.

Chính suy nghĩ đó, quan niệm đó đã làm nên một “vị quan đàng hoàng”. Và sự đàng hoàng đó nếu bất cứ người làm “quan” nào cũng có được thì chẳng phải lo về những bất công, oan ức, chẳng phải chứng kiến những phiên toà kéo dài với những tình tiết đầy oái oăm…

Lãnh đạo giỏi, người dân cần đấy, nhưng cần hơn là sự đàng hoàng!

Bích Diệp