Phải xem các lời "thách đấu" là một kênh phản biện

(Dân trí) - Ban quản lý chỉnh trang đô thị để xuất với UBND TP. Hà Nội giá xây dựng 14 nhà vệ sinh với vốn đầu tư khoảng 15 tỷ (hơn 1 tỷ đồng/nhà vệ sinh).

(Minh họa: Ngọc Diệp)


(Minh họa: Ngọc Diệp)

  

Ngay sau đó, có 2 công ty “thách đấu” sẵn sàng đấu thầu xây dựng nhà vệ sinh cùng loại với giá bằng 1/3 giá do Ban quản lý đưa ra, tức khoảng 300 – 350 triệu đồng.

 

Quá hay! Lời thách đấu chưa được phía Ban quản lý chấp nhận, nhưng sự lên tiếng của 2 công ty đưa ra lời thách đấu là cần thiết, giúp xác định giá trị công trình cho việc tổ chức đấu thầu sắp tới. Nếu như có một một mức giá cao hơn được chấp thuận, thì đó là cú trúng thầu có quân xanh quân đỏ, nâng giá để chia nhau chênh lệch.

 

Cho nên, lời thách đấu của 2 công ty như một tiếng nói phản biện lại mức giá mà Ban quản lý đưa ra, như một lời cảnh báo để ngăn ngừa việc bắt tay đội giá công trình.

 

Còn nhớ mới đây, nhiều nhà vệ sinh “dát vàng” ở Quảng Ngãi làm cho dư luận hoảng hồn. Bởi vì, có những nhà vệ sinh cấp bốn xây cho trường THCS nhưng có giá lên đến 600 triệu đồng. Người dân nhắm mắt cũng biết người ta đã “ăn” cả nhà vệ sinh. Nếu như, ở Quảng Ngãi, có những công ty đứng ra thách đấu bằng cách lên tiếng trước, thì sẽ không có những quyết định xây dựng dấm dúi về sau. Tiếc rằng, ở một huyện miền núi Minh Long của tỉnh Quảng Ngãi, mấy ai biết được thông tin sẽ xây dựng nhà vệ sinh dát vàng để đưa ra lời thách đấu.

 

Còn ngay giữa Thủ đô, thông tin về việc xây dựng 14 nhà vệ sinh đã đến được tai dân, thì chuyện dân tham gia ý kiến, doanh nghiệp tham gia đấu thầu là đương nhiên. Chỉ có điều, liệu ai sẽ trúng thầu? Người ta có nhiều lý do để loại trừ lời thách đấu, và có nhiều kỹ thuật để dàn xếp một cuộc trúng thầu theo kịch bản soạn sẵn. Và nếu như giá trúng thầu cao hơn giá mà 2 công ty thách đấu, thì dư luận có quyền chất vấn, các ông hội đồng của thành phố Hà Nội sẽ có việc để làm.

 

Từ chuyện thách đấu của 2 công ty ở Hà Nội gợi mở cho cộng đồng một cách nhìn mới mẻ trong việc tham gia ý kiến phản biện cũng như góp phần làm minh bạch việc đấu thầu các dự án đầu tư công.

 

Có rất nhiều trụ sở, cầu đường và các công trình khác gần như chỉ công khai giá đầu tư xây dựng trong một nhóm bí mật. Họ có đường dây riêng, vài đối tác riêng, chia nhau trúng thầu và chia nhau sau khi trúng thầu. Các loại thông báo mời thầu được đăng trên báo chỉ là hình thức, nhà thầu không đúng hệ thì còn lâu mới ngồi được vào bàn đấu thầu. Thuật ngữ “nhóm lợi ích” được sinh ra từ các quan hệ chủ đầu tư và nhà thầu theo kiểu băng nhóm này.

 

Nếu như, sau khi được thông báo về một dự án đầu tư xây dựng công, có những công ty đứng ra thách đấu công  khai, đưa ra mức giá thấp nhất có thể, thì sẽ góp phần hạn chế sự bắt tay của các nhóm lợi ích.

 

Đã từng có trường hợp tiến sĩ Trần Đình Bá thách đấu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông liên quan đến dự án 2 tỷ USD tân trang đường sắt đồ cổ. TS Bá cam đoan tốc độ tàu sẽ không đạt tốc độ trung bình 80 – 90km/h như Bộ GTVT dự án đưa ra.

 

Trong tất cả mọi lĩnh vực, đất nước rất cần những lời thách đấu vì mục đích xây dựng, vì muốn đem lại lợi ích chung.

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!