Một chuyện… “chưa từng có”!

(Dân trí) - Không gian lận thì sao phải giấu giấu, diếm diếm, không dám để nhà báo chứng kiến, quần chúng giám sát? Một xã hội nói chung hay một vụ việc cụ thể nói riêng chắc chắn sẽ công bằng hơn, minh bạch hơn nếu có sự giám sát của nhân dân...

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Một chuyện bình thường, thậm chí rất bình thường nhưng nó lại được báo Tuổi trẻ TP HCM giật dòng tính như một chuyện kỳ lạ: “Chuyện chưa từng có trong ngành Y tế Việt Nam”. Thế nhưng điều đáng buồn là cái tít trên lại chính xác đến 100% bởi đúng là cho đến nay, có lẽ đây là lần đầu tiên một bệnh viện trung ương mời cơ quan báo chí tham gia chứng kiến việc đấu thầu giá thuốc.

 

Câu chuyện “hi hữu” này xảy ra ngày 3/9 vừa qua tại Bệnh viện Việt Đức, ngoài 65 doanh nghiệp dự thầu, Ban giám đốc Bệnh viện còn mời thêm 9 cơ quan báo chí, đó là: Tuổi trẻ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Lao động, Người lao động, Thanh Niên, Nông thôn Ngày nay, Lao động Thủ đô và hai báo điện tử: Dân trí, VnExpress trực tiếp chứng kiến mở thầu công khai giá thuốc năm 2013 – 2014.

 

Xin không bàn về những tiêu chí cũng như yêu cầu mà bệnh viện đặt ra, chỉ xin bàn về tính công khai, minh bạch vốn là việc nên làm và cần phải làm để thực hiện chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

 

Thực ra, công khai trong đấu thầu nói riêng và sự công khai nói chung là yêu cầu tất yếu của một xã hội minh bạch. Tính công khai càng rộng rãi bao nhiêu thì sự minh bạch càng lớn bấy nhiêu và sự giám sát của nhân dân càng cao bấy nhiêu.

 

Đó chính là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

 

Song, mặc dù công khai là một trong những chủ trương lớn của Nhà nước Việt Nam từ sau Đổi mới thì đến nay, hình như nó vẫn mờ mờ, tỏ tỏ.

 

Thiếu công khai đã dẫn tới tính thiếu minh bạch, tạo sự hoài nghi trong nhân dân về sự công bằng xã hội.

 

Nếu đã công bằng thì tại sao lại không công khai? Có điều gì uẩn khúc ở đây?

 

Thiếu công khai, minh bạch là mảnh đất màu mỡ cho sự nghi ngờ phát triển.

 

Thế nhưng sự thiếu công khai, minh bạch lại xuất hiện ở rất nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhất là trong đấu thầu.

 

Đã có không ít dư luận về “quân xanh, quân đỏ”, đã có không ít xì xào, đồn đoán về thông thầu, lộ thầu... Cái “thị trường đấu giá” này đáng lý phải rất công khai (tất nhiên trừ hồ sơ dự thầu phải bí mật tuyệt đối) thì nó lại dấm dấm, dúi dúi như… buôn gian, bán lậu.

 

Không gian lận thì sao phải giấu giấu, diếm diếm, không dám để nhà báo chứng kiến, quần chúng nhân dân giám sát?

 

Vì vậy, việc chủ động mời một số cơ quan báo chí của Bệnh viện Việt Đức dù chưa biết kết quả thế nào đã chứng tỏ sự công khai, minh bạch và chưa từng có.

 

Một xã hội nói chung hay một vụ việc cụ thể nói riêng chắc chắn sẽ công bằng hơn, minh bạch hơn nếu có sự giám sát của nhân dân (tức là dân biết) mà người có thể giúp nhân dân làm điều này chính là báo chí.

 

Chỉ khi nào báo chí được thực hiện đúng một trong những sứ mệnh quan trọng mà Nhà nước và Nhân dân giao phó là tham gia giám sát xã hội đồng thời báo chí giữ được sự công tâm cần có thì khi đó xã hội mới phát triển và tinh thần công khai, minh bạch mới trở thành hiện thực.

Còn nếu không….!?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!