Làm vụ trưởng có gì là khó

(Dân trí) - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ thấy bạn tôi thường luôn miệng than phiền vị trí công tác chuyên viên hiện nay không thích hợp, bèn hỏi: "Theo nguyện vọng cá nhân thì anh muốn làm gì là thích hợp, phát huy được tốt khả năng của mình?” Hắn không cần suy nghĩ, nói ngay: “Tôi muốn làm vụ trưởng”.

Làm vụ trưởng có gì là khó - 1

Ông Vụ trưởng ngạc nhiên, bảo:

- Làm vụ trưởng  phải trình độ quản lý cao, trách nhiệm gánh vác nặng, khó lắm đấy, anh chưa đủ khả năng làm đâu!

Hắn cãi:

- Làm chuyên viên như tôi mới khó chứ làm vụ trưởng  thì khó cái quái gì. Tôi đã quan sát nhiều năm ở cơ quan bộ này rồi, không ít vụ trưởng mỗi khi có việc gì khó giải quyết, bèn đề nghị họp xin ý kiến, nếu vẫn không nghĩ ra cách tháo gỡ thì cho họp bộ tứ và nếu bộ tứ cũng không nghĩ ra cách tháo gỡ thì cho họp toàn thể cán bộ công nhân viên trong Vụ để hỏi ý kiến. Nếu cũng vẫn không nghĩ ra cách tháo gỡ thì giao cho cán bộ tổng hợp của Vụ viết báo cáo để ông ấy ký gửi kèm theo biên bản các cuộc họp nói trên lên Bộ trưởng, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng. Quy trình giải quyết việc là như vậy, thật dễ.

Vụ trưởng vặn lại làm thế hóa ra đùn đẩy trách nhiệm cho hệ thống chính trị nội  bộ rồi cho Bộ trưởng a? Hắn bảo: “Thì chính cái cơ chế bấy lâu nay đã tạo ra thói đùn đẩy trách nhiệm chứ sao. Nếu thống kê được lượng văn bản từ quận, huyện bị đẩy lên tỉnh, thành phố hay giữa các sở ngành, bộ ngành với nhau thời gian qua... chắc chắn sẽ là cả đống.

Đó là hệ lụy của một môi trường pháp lý còn thiếu minh bạch, khi mà những luật lệ vẫn còn có thể diễn giải theo nhiều cách khác nhau; các quy định pháp luật chưa tương thích, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Môi trường pháp lý còn khiếm khuyết đó tất nhiên dẫn đến  việc không ít người đứng đầu đơn vị hành chính đã chọn giải pháp an toàn “đùn đẩy” cho tập thể rồi cho cấp trên để khi có sự cố xẩy ra khỏi bị quy kết vào tội “lợi dụng kẽ hở của luật pháp” hay “thiếu tinh thần trách nhiệm”, nên vô hình trung biến hành chính của ta thành “nền hành chính xin ý kiến”.

Cụ thể như trường hợp ở dự án cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng) đã kiểm tra, đánh giá trước khi đưa vào sử dụng trên nguyên tắc khi Hội đồng này có ý kiến chấp thuận, chủ đầu tư mới được phép đưa công trình vào khai thác, nhưng khi tuyến đường hư hỏng, hỏi về trách nhiệm, một thứ trưởng Xây dựng là Phó Chủ tịch Hội đồng tham gia nghiệm thu cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bảo phải hỏi Bộ GTVT, còn hỏi Hội đồng là không đúng người đúng việc. Những kiểu đùn đẩy như vậy vô hình trung biến hành chính của ta thành “nền hành chính xin ý kiến”.

Chả thế mà có năm gần đây, chỉ trong 8 tháng đầu năm, Văn phòng Chính phủ đã phải tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết hơn 13.700 văn bản nhằm kiểm soát văn bản đầu vào gửi lên Thủ tướng, hạn chế tình trạng “chuyền bóng” lên Chính phủ.

Nghe hắn nói, ông Vụ trưởng giật mình thầm nghĩ: “Hắn có lý đấy chứ. Vậy mà  bấy lâu nay mình cứ nghĩ làm vụ trưởng là khó lắm, sao không làm như kiểu hắn nói mà cứ phải vật vã nghĩ về công việc cho đau đầu mệt óc nhỉ?”

Hu.hu...

Nguyễn Đoàn