Kỳ thi đặc biệt trong lịch sử

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sáng nay (7/7), hơn 1 triệu thí sinh cả nước bước vào đợt 1, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đây có lẽ là kỳ thi đặc biệt trong lịch sử khi có tới 56/63 tỉnh, thành đang có dịch Covid-19 hoành hành.

Kỳ thi đặc biệt trong lịch sử - 1

Có thể nói, tổ chức một kỳ thi quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng như thời điểm này là một quyết định không hề dễ dàng của ngành giáo dục. Chắc chắn đã có những hoài nghi, lo lắng về sự an toàn của thí sinh tham dự thi, đội ngũ cán bộ tổ làm nhiệm vụ thi, đặc biệt ở những nơi đang là tâm dịch với số ca mắc Covid-19 tăng 3 con số mỗi ngày.

Phương án chia làm 2 đợt thi và trao quyền quyết định cho các địa phương về thời gian tổ chức thi là quyết định đúng đắn. Quyền lợi của thí sinh mỗi đợt thi cũng đã được tính toán để đảm bảo khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2021-2022.

Việc tổ chức kỳ thi theo đúng kế hoạch trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã "giải nén" nỗi lo lắng, chờ đợi của phụ huynh và thí sinh.

Vừa để xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ cho nhiều trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất cao của toàn ngành và toàn xã hội cho kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công.

Trong bối cảnh của một năm đặc biệt, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, tiêu chí số 1 phải là đảm bảo an toàn. An toàn không chỉ đơn thuần là phòng chống dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn về sức khỏe, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và an toàn trong những tình huống mưa bão, lũ lụt…

Tùy tình hình thực tế, các địa phương, các trường đã có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho công tác tổ chức thi cũng như tránh nguy cơ lây  lan dịch bệnh cho thí sinh. Tại các địa phương là điểm nóng về dịch, một cuộc xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng dành cho các thí sinh, cán bộ coi thi và phục vụ thi cũng gấp rút triển khai.

Tất cả thí sinh thuộc diện F2 trong cả nước được tổ chức phòng thi riêng, không quá 12 em mỗi phòng. Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (Nghệ An), bố trí 2 xe ô tô đưa đón thí sinh F2 và thí sinh trong vùng phong tỏa đến điểm thi và vào phòng thi bằng cửa riêng.

Ở tâm dịch Bắc Giang, thay vì tổ chức giáo viên coi thi chéo giữa các huyện, năm nay giáo viên coi thi tại các điểm thi trong huyện, đảm bảo không có giáo viên nào thực hiện nhiệm vụ thi tại điểm có học sinh trường mình dự thi.

Tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết chiều hôm qua (6-7) đã có 86.943/89.275 thí sinh đến 155 điểm thi trên địa bàn TP.HCM làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2021, đạt tỉ lệ 97,39%.

Các phương án dự phòng, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 cũng đã được các địa phương xây dựng chi tiết, sẵn sàng kích hoạt khi cần thiết.

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT xem xét việc tiếp nhận để tổ chức thi cho các thí sinh chuyển đến từ Hội đồng thi khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Thí sinh tham dự kỳ thi năm nay đã trải qua suốt cả một năm học phấp phỏng trong dịch bệnh và nỗi lo lắng cũng chưa thể nguôi trước ngày diễn ra thi. Tất cả các em đã hết sức cố gắng, nỗ lực để chuẩn bị cho mình kiến thức, kỹ năng, tâm thế tốt nhất  bước vào "trận chiến", đánh dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời mình.

Tuân thủ nguyên tắc phòng dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân, hãy trút bỏ những áp lực, những lo lắng để bước vào phòng thi và làm bài thi thật tốt. Bởi bên cạnh các em luôn có thầy cô, có cha mẹ, có cả xã hội quan tâm và yêu thương, tin tưởng hết mực.