Chuyện “khó nói” sau những bữa tiệc liên hoan thăng chức linh đình…

(Dân trí) - Câu chuyện liên hoan, tiệc tùng, hiếu, hỉ… chẳng phải riêng của một cá nhân nào, đó là câu chuyện chung xã hội chúng ta đang sống, một xã hội vẫn còn trọng quyền chức, tiền tài, vẫn còn không ít người lấy địa vị làm mục tiêu cuộc sống, tìm đủ mọi cách “leo cao, chui sâu”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Quy định số 55-QĐ/TW do Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thay mặt Bộ Chính trị ký ngày 19/11/2016 có một nội dung rất đáng chú ý, đó là: Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi.

Chỉ đạo của Bộ Chính trị ngay khi vừa công bố lập tức nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của đông đảo người dân trên cả nước bởi đã “đánh đúng”, “đánh trúng”… vào thực trạng nhức nhối trong xã hội hiện nay, ai cũng thấy, cũng biết mà vô cùng “khó nói”.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội và được báo chí đăng tải hồi đầu năm nay về một bữa tiệc chúc mừng tân Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu. Đêm giao lưu được cho là có phần tiệc mặn với 10 mâm, khoảng 100 khách mời tham dự và góp thêm vào chương trình này còn có các tiết mục văn nghệ, với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An.

Sự kiện này được chú ý, đơn giản chỉ vì nó được tổ chức công khai với sân khấu hoành tráng cho một chức… Phó Giám đốc sở (!), và quan trọng là nó … được chụp ảnh lại. Thế nhưng, câu chuyện liên hoan, ăn mừng chẳng phải riêng của ông Hiếu, đúng hơn là chuyện của chung xã hội chúng ta đang sống, một xã hội vẫn còn trọng quyền chức, tiền tài, vẫn còn không ít người lấy địa vị làm mục tiêu cuộc sống, tìm đủ mọi cách “leo cao, chui sâu”.

Bởi rằng, nếu ta thừa nhận rằng, đâu đó vẫn còn nạn “chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển”, còn có thể dùng tiền “mua quan, bán chức” thì vẫn khó mà tránh được tệ tham nhũng, tham ô bằng nhiều hình thức, trong đó liên hoan, tiệc tùng đề bạt, thăng chức chỉ là một biểu hiện… rất nhỏ mà thôi!

Nếu coi vấn đề “mua-bán” nói trên là một thương vụ, coi việc làm “quan” là món đầu tư, thì người ta dễ sinh rất nhiều “cái cớ” để thu hồi lại vốn, thậm chí là phát triển nguồn vốn: nào liên hoan con đi học đại học, nào tân gia, nào đám cưới, nào giỗ chạp, nào người nhà ốm đau v.v và v.v.

Việc gia chủ bỏ ra một khoản kinh phí tổ chức liên hoan đình đám chỉ là nhỏ, phong bì, quà cáp và những “thỏa thuận ngầm” mới là chuyện lớn. Một người làm quan, cả họ được nhờ, nên đằng sau một phong bì lọt thỏm trong buổi tiệc linh đình có khi là mấy tháng lương công chức, cả vụ làm đồng của bà, bác nông dân họ gần, họ xa.

Những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi và đầy hiển nhiên đó đã “bóp méo” tinh thần cầu tiến cả một thế hệ, tai hại vô cùng. Bao nhiêu thanh thiếu niên học hành, phấn đấu chỉ muốn được một chân là trong Nhà nước, bao nhiêu lớp học sinh, sinh viên ra trường bất kể yếu kém hay khá giỏi nhưng vẫn chờ chực núp dưới quan hệ của bố mẹ mà tìm đường thăng tiến đi lên…

Tất nhiên, tôi không phủ nhận rằng, việc một người thăng tiến bằng chính năng lực và thành tích trong công việc là điều đáng vui mừng, không chỉ với cá nhân người đó mà với cả tập thể, cộng đồng. Nhưng tôi tin, ở những con người đó, đằng sau niềm vui là những nỗi lo và trăn trở về gánh nặng trách nhiệm công việc sẽ nặng nề hơn.

Tự thẳm sâu, tôi đã rất ngưỡng mộ một vị lãnh đạo, khi vừa thăng chức, được báo chí chúc mừng nhưng ông dí dỏm đáp lời: “Đảm nhiệm chức vụ mới không biết nên chia vui hay chia buồn, vì phải lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ, thật khó lắm thay!”.

Việc Bộ Chính trị nghiêm cấm Đảng viên lợi dụng hiếu, hỉ để “biếu xén”, đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng là một chỉ đạo cần thiết và đúng đắn. Nhưng để “nhốt quyền lực vào lồng” một cách triệt để, thiết nghĩ cần có những cơ chế giám sát và chế tài xử lý mạnh mẽ với những hành vi vi phạm, siết chặt công tác bổ nhiệm, chọn đúng người vào đúng vị trí công việc cần giao.

Bích Diệp