Ai “chống lưng” cho ông Thanh trên con đường công danh… kỳ ảo?
(Dân trí) - Câu hỏi đặt ra, vì sao con đường công danh của ông Thanh lại “ngoạn mục” như vậy? Hay nói như ngôn ngữ dân gian là có ai đó “chống lưng” không mà ông Trịnh Xuân Thanh lại “vượt qua thử thách” một cách kỳ ảo như thế?
Từ chuyện “cỏn con” là cái biển số xe trắng - xanh lẫn lộn, giờ đây, sau điều tra của báo chí và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người dân mới “ngã ngửa” với con đường thăng tiến của vị nguyên Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Đọc lại hành trình của Trịnh Xuân Thanh, mới thấy con đường công danh vô cùng kỳ ảo. Xin chỉ tính thời điểm làm Phó bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), chỉ một thời gian ngắn, ông Thanh lên chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty này. Trong thời gian “trị vì”, ông Thanh đã để lại một “thảm trạng không thể xấu hơn cho PVC - lời tác giả Hà Nguyễn”. Đó là khoản thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng và có thời điểm, gần mất hết vốn nhà nước.
Trong khi nhiều cá nhân, đơn vị trong PVC thời kỳ đó bị khởi tố hình sự thì không hiểu sao, ông Thanh lại… thoát hiểm một cách bình an và ngoạn mục để đi tìm được bến đỗ mới. Đó là chức Phó chánh văn phòng, phụ trách Văn phòng đại diện miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng.
Rồi cũng chỉ một thời gian ngắn sau, ông Thanh lại được lãnh đạo Bộ Công Thương tín nhiệm, bổ nhiệm làm Phó chánh Văn phòng phụ trách của Bộ, sau đó là Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp... Cuối cùng, ông Thanh được luân chuyển về làm tới chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tham gia ứng cử và được bầu làm Đại biểu Quốc hội.
Câu hỏi đặt ra, vì sao con đường công danh của ông Thanh lại “ngoạn mục” như vậy? Hay nói như ngôn ngữ dân gian là có ai đó “chống lưng” không mà ông Trịnh Xuân Thanh lại “vượt qua thử thách” một cách kỳ ảo như thế?
Chắc chắn, câu trả lời sẽ được làm sáng tỏ bởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã “kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư: - Chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ”.
Không chỉ có thế, UB KT TƯ còn kiến nghị đích danh: “Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015”.
Chiều 13/7 đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tới Hậu Giang, làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy và công bố kết luận về các sai phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Với kết luận và những kiến nghị này của UB KT TW là rất nghiêm minh, thẳng thắn và nhận được sự đồng tình ủng hộ, tạo niềm tin trong nhân dân.
Song, nhân dân tin tưởng hơn nữa nếu như phát hiện sai phạm, có những hình thức xử lý nghiêm khắc dù người đó đương chức hay đã về hưu hoặc chuyển công tác khác. Cũng còn có một điều còn hơi băn khoăn là gần đây, không ít vụ việc chỉ được làm rốt ráo khi có ý kiến chỉ đạo của các vị lãnh đạo cao cấp.
Vụ quán cà phê “Xin chào” nếu không có chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì liệu có kết quả như sau này? Rồi vụ ông Trịnh Xuân Thanh, nếu không có yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì vụ việc hoàn toàn có thể “chìm xuồng”, ông Thanh ít nhất sẽ vẫn là Phó Chủ tịch Hậu Giang và Đại biểu Quốc hội.
Cho nên việc xử lý kỉ luật ông Thanh là quan trọng, song nếu như không xử lý ai đó “chống lưng” (nếu có) cho ông Thanh thì không có ông Thanh này sẽ còn có nhiều ông Thanh khác.
Trao đổi với báo Dân trí, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thẳng thắn nêu ra một loạt câu hỏi cần được giải đáp: “Vậy những tập thể, cá nhân nào đã tạo điều kiện, ưu ái để ông Trịnh Xuân Thanh rời khỏi doanh nghiệp đang thua lỗ nặng, chuyển về Bộ Công thương rồi vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh?
Trả lời báo chí, ông Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang nói rằng ông Thanh là cán bộ được Trung ương luân chuyển về và khi giới thiệu ông Thanh ra ứng cử đại biểu Quốc hội cũng xuất phát từ việc do Trung ương bố trí. Nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện được luân chuyển. Vậy thì tỉnh Hậu Giang cần nói lại cho rõ điều này. Giả sử ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang là do tỉnh xin về và Bộ Công thương chấp thuận thì tại sao ông Thanh vừa về tỉnh lại được giới thiệu vào Quốc hội?
Tất cả những vấn đề này cần phải tiếp tục làm rõ thì mới thuyết phục được dư luận nhân dân”.
Vâng, chỉ khi nào “tất cả những vấn đề này cần phải tiếp tục làm rõ thì mới thuyết phục được dư luận nhân dân”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám