Vướng mắc về đất công nghiệp đang cản đường vốn đầu tư nước ngoài

TPHCM đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư, kêu gọi "đại bàng về đóng tổ" và hình thành doanh nghiệp theo mô hình "đàn sếu bay" để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Tuy nhiên, vướng mắc của thành phố hiện nay là thiếu đất công nghiệp để doanh nghiệp thuê, nhất là quỹ đất lớn. 5 năm nay, thành phố không xây dựng thêm được khu công nghiệp nào. Trong khi đó, hàng trăm ha đất sạch lại không cho thuê được do vướng việc định giá và nhiều thủ tục khác.

Đất đai khu công nghiệp nơi thiếu hụt, chỗ bỏ hoang

Theo quy hoạch phát triển TPHCM đến năm 2020, toàn TP có 23 khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng đến nay thành phố mới triển khai được 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao. Trong đó, 17 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.900 ha đến nay đã triển khai xây dựng được khoảng 3.500 ha. Diện tích này được cho thuê gần lấp đầy, chỉ còn hơn 64 ha đất nằm rải rác, trong đó lô đất lớn nhất không quá 3-4 ha. Chính vì vậy, thời gian qua, một số nhà đầu tư muốn thuê diện tích lớn, vài chục ha để đầu tư vào các khu công nghiệp của thành phố nhưng lại không có. Tương tự, 900 ha đất ở Khu Công nghệ cao của thành phố hiện đã lấp đầy.

Vướng mắc về đất công nghiệp đang cản đường vốn đầu tư nước ngoài - 1
Khu Công nghiệp Hiệp Phước, giai đoạn 2 đã làm xong hạ tầng nhưng không tiếp tục cho thuê được do vướng mắc về định giá cho thuê đất.

Bà Lê Thị Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, sau dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… đang dịch chuyển đầu tư vào TPHCM, trong đó có khu công nghệ cao thành phố, nhưng quỹ đất ở đây đã hết, nhất là đất thương phẩm cho sản xuất.

"Các doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Intel trên toàn cầu muốn đầu tư vào TPHCM cũng không có đất. SamSumg cũng chính thức đặt vấn đề với chúng tôi họ cần cả 100ha nhưng không có quỹ đất" - bà Lê Thị Bích Loan nói.

Trong khi đó, tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè giai đoạn 2 đang có 200 ha đất sạch, đã làm xong hạ tầng nhưng hơn 5 năm nay bỏ trống không cho thuê được do các cơ quan chức năng của thành phố vẫn chưa định giá tiền thuê đất của Nhà nước 1 lần cho 50 năm. Doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu công nghiệp này sốt ruột như ngồi trên đống lửa vì bị "chôn" vốn hàng ngàn tỷ đồng, nếu thời gian càng kéo dài thì lãi suất tiền vay sinh sôi, giá thành sẽ ngày càng tăng.

Còn tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu Công nghiệp Cơ khí ô tô của Công ty Cổ phần Hòa Phú (thuộc tập đoàn Samco) có đất sạch, nhưng đang vướng thủ tục đất đai nên không triển khai xây dựng hạ tầng cho thuê được.  Trong giai đoạn 2, doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng hơn 98% với gần 63 ha và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với cơ quan chức năng, nhưng khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM thì bị "ngâm" cả năm trời không trả lời.
 

Theo doanh nghiệp này, họ đã đáp ứng đủ điều kiện quy định của đất của Luật Đất đai năm 2013 nên năm 2015 (giai đoạn 1) cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 32 ha, trong tổng số 99ha đất được quy hoạch. Doanh nghiệp cũng đã cho thuê hết diện tích này, nhưng khi triển khai giai đoạn 2 lại gặp khó khăn.

Nhiều bất cập về thủ tục hành chính, định giá đất

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho biết, vướng mắc chủ yếu của các doanh nghiệp liên quan đến thủ tục đất đai và định giá cho thuê. Hiện nay, ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, Khu công nghiệp Tân Phú Trung còn nhiều thửa đất sạch nhưng không làm sổ đỏ được để cho thuê.

Vướng mắc về đất công nghiệp đang cản đường vốn đầu tư nước ngoài - 2
Vướng mắc chủ yếu của các doanh nghiệp đầu tư liên quan đến thủ tục đất đai và định giá cho thuê.

Theo ông Bé, các doanh nghiệp này nộp hồ sơ ở Sở Tài nguyên- Môi trường thành phố nhiều tháng nhưng ở đây không trả lời: "Các nhà đầu tư của chúng tôi đổi chủ đầu tư, mở rộng diện tích… sổ đỏ nộp lên đó 3 tháng, 9 tháng cũng "ngâm" đó, kéo dài thời gian, không giải quyết tới nơi tới chốn, thậm chí không trả lời".

Những vướng mắc của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đã được Hepza và Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM kiến nghị lên UBND TPHCM.

Mới đây, tại buổi gặp gỡ một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, đại diện Sở Tài Nguyên - Môi trường đề nghị doanh nghiệp bổ sung thêm 1 số thủ tục để có hướng giải quyết. Riêng vướng mắc việc định giá cho thuê đất ở Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, thành phố đang xem xét phương án cho doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm thay vì trả 1 lần.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang đề xuất với Chính phủ cho bổ sung quy hoạch mới Khu công nghiệp Phạm Văn Hai rộng 380 ha để tăng thêm diện tích đất công nghiệp thu hút đầu tư.

Ông Đào Xuân Đức, Phó trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cho rằng: "Các khu công nghiệp cũ còn khoảng 200-300 ha, nếu chúng ta giải quyết được về pháp lý, tiền thuê đất thì chúng ta có quỹ đất cho thuê khá lớn. Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm cơ bản giải quyết được vấn đề đất đai, việc này trong tầm tay của TPHCM và Hepza thì từ nay đến cuối năm sẽ có quỹ đất khoảng 200-300 ha để thu hút đầu tư".

TPHCM muốn đón "đại bàng" đến đầu tư thì cũng phải có nơi để "làm tổ". Nếu không nhanh chóng giải quyết những vướng mắc trong thủ tục hành chính về đất đai và định giá cho thuê đất công nghiệp thì không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thu hút đầu tư của thành phố về lâu dài.