Vốn ngoại vào bất động sản sụt giảm mạnh, có đáng lo?
(Dân trí) - Theo nhiều chuyên gia, sự sụt giảm FDI không ảnh hưởng quá nhiều đối với thị trường bất động sản (BĐS) và không đáng lo ngại.
FDI vào BĐS giảm mạnh
Số liệu từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực BĐS thu hút nguồn vốn FDI được 726 triệu USD, giảm hơn 1,3 triệu USD so với năm 2019, tương đương 30.000 tỷ đồng (năm 2019 vốn FDI là 2,06 tỷ USD).
Trong khi đó, báo cáo nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2020, Bộ Xây dựng cho biết, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.
Tính đến 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Bộ Xây dựng, nhiều năm trở lại, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo).
Tuy nhiên, thống kê 9 tháng đầu năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đạt gần 3,2 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.
Như vậy, sau thời gian dài giữ vị trí số 2 sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã bị tụt xuống vị trí thứ 3 trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Không đáng lo ngại
Trao đổi với PV báo Dân trí, TS Cấn Văn Lực, sự sụt giảm FDI không ảnh hưởng quá nhiều đối với thị trường BĐS, và không đáng lo ngại.
Dựa vào báo cáo của Bộ Xây dựng, ông Lực nhận định, dòng vốn FDI chảy vào thị trường BĐS trong quý III/2020 đã tăng gấp 4 lần so với quý II/2020, mức tăng tương đương 400%. Điều này đã cho thấy, thị trường đang hồi phục mạnh mẽ và BĐS Việt Nam vẫn là “miền đất hứa”, hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại.
Vị chuyên gia này dự báo, trong quý cuối cùng của năm 2020, dòng vốn FDI nói chung sẽ giảm 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn giải ngân, vốn đăng ký sẽ giảm khoảng 2 - 3% so với cùng kỳ. Đối với dòng vốn FDI chảy vào thị trường BĐS, mức giảm sẽ dao động trong khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ.
“Năm 2021, dòng vốn FDI vào thị trường BĐS sẽ có đà tăng tương đối mạnh, song mức hồi phục chỉ ở mức 50% so với cuối năm 2019, thời điểm chưa xuất hiện đại dịch Covid-19”, ông Lực nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Trung Đức, chuyên gia BĐS nhìn nhận, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và nhà ở vẫn đang gây được sự chú ý của giới đầu tư ngoại.
Phân tích rõ hơn về điều này, ông Đức nhìn nhận, quay trở lại thời điểm đại dịch chưa diễn ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, GDP tăng đều mỗi năm. Đồng thời, Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch, như bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới, ấm áp quanh năm,...
“Sự gián đoạn dòng vốn FDI chỉ mang tính chất tạm thời, và sẽ bùng nổ trở lại khi đại dịch được kiểm soát trên toàn thế giới”, ông Đức nói.
Đặc biệt, phân khúc BĐS công nghiệp vẫn luôn là “điểm sáng” của thị trường, nhờ sự chuyển dịch vốn đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam đã và đang diễn ra.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm lợi thế thu hút nguồn vốn đầu tư cho thị trường bất động sản.
Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam, EVFTA thực thi mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới. Hiệp định này cho thấy cam kết của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á.
Hoạt động thương mại song phương chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là tăng luồng vốn FDI, tăng số lượng việc làm và thêm nhiều cơ hội hơn trên tất cả các phân khúc bất động sản, trong đó có điểm sáng bất động sản công nghiệp.