Vốn 10 triệu đồng mua được nhà đất Hà Nội: Vợ chồng trẻ “thoát kiếp” ở trọ
Chỉ với 10 triệu đồng trong tay nhưng với một chút mạo hiểm anh Tuấn - chị Nhung đã sở hữu cho mình một ngôi nhà rộng rãi, thoát khỏi cảnh đi ở trọ tốn kém sau nhiều năm.
Là dân ngoại tỉnh lên lập nghiệp tại thủ đô, kinh tế hai bên gia đình đều không dư giả nên cả anh Tuấn và chị Nhung phải đi lên từ hai bàn tay trắng.
Sau khi lập gia đình năm 2012, anh chị thuê phòng trọ tại Thanh Trì – Hà Nội, trong thời gian đi ở trọ giá thuê phòng liên tục tăng từ 1,2 triệu đồng/tháng rồi lên 2,5 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, giá điện sinh hoạt luôn ở mức cao ngất ngưởng 4.000 đồng/số, nên dù có sử dụng tiết kiệm tối đa các thiết bị điện trong gia đình thì mỗi tháng riêng tiền điện cũng dao động từ 500.000-600.000 đồng/tháng.
Khi đón người con đầu lòng năm 2013, anh chị bàn nhau lắp chiếc điều hòa ở phòng trọ để giúp con ngủ ngon trong những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên, điều này cũng khiến chi phí tiền điện những tháng hè của gia đình tăng phi mã lên gấp đôi, có những tháng lên gấp 3. Tổng chi phí tiền thuê nhà mỗi tháng đội lên thành 3-4 triệu đồng. Số tiền này bằng nửa tiền lương hàng tháng của chị Nhung nhận được từ công việc của mình.
Kể từ khi sinh con đầu lòng, những khoản chi tiêu trong gia đình cũng nhiều hơn, trong khi thu nhập của hai anh chị thời điểm đó cũng quanh quẩn mức 14-16 triệu đồng/tháng. Dù vậy hai anh chị vẫn luôn nung nấu ý định tìm một mảnh đất hoặc căn nhà nhỏ để có thể “an cư lạc nghiệp”, giảm chi phí thuê nhà hàng tháng.
Anh Tuấn (SN 1983) tính bình quân mỗi năm riêng tiền đi thuê trọ của anh chị cũng mất từ 38-40 triệu đồng, trong khi muốn sửa chữa hay mua sắm đồ đạc cho cuộc sống gia đình thoải mái cũng không được bởi phòng trọ chật hẹp, tiền điện thì luôn ở mức cao ngất ngưởng. Dù bỏ ra một số tiền lớn như vậy nhưng vẫn là cuộc sống đi ở trọ và luôn đối mặt với nỗi lo phải chuyển chỗ ở bất kỳ lúc nào nếu chủ nhà đổi ý.
Anh Tuấn chia sẻ đầu năm 2017, sau 5 năm lập gia đình, số tiền tích lũy của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chi gần 200 triệu đồng để trả tiền thuê phòng trọ những năm qua nên anh chị quyết tâm đi tìm đất, nhà để mua. Sau nhiều lần tham khảo sự giới thiệu của những người bạn làm cùng công ty và các môi giới, anh chị tìm được mảnh đất 42m2 tại Yên Nghĩa – Hà Đông khi đó được rao bán chỉ với 10 triệu mỗi mét vuông.
Sau khi tìm được mảnh đất phù hợp, anh chị bắt đầu bước vào chiến dịch xoay tiền để trả cho người bán. May mắn là khi biết anh chị có ý định mua đất làm nhà, bố mẹ hai bên gia đình cùng những anh em, bạn bè, đồng nghiệp công ty mỗi người cũng cho vay 1 ít nên số tiền vay từ người thân, quen được 400 triệu đồng. Cùng với đó, anh chị cũng thế chấp sổ đỏ mảnh đất để làm thủ tục vay thêm ngân hàng số tiền 200 triệu đồng trong thời hạn 7 năm. Anh Tuấn cho biết vay mức này phù hợp với khả năng trả nợ của anh chị do số tiền trả cả gốc và lãi với ngân hàng chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Chỉ nhỉnh hơn 1 triệu đồng nữa so với số tiền trả chủ nhà trọ hàng tháng thời điểm đó.
Mua đất xong, anh chị cũng thuê thợ xây lên căn nhà cấp bốn có gác xép với tổng diện tích sử dụng hơn 60m2, diện tích này gấp 3 lần diện tích phòng trọ cũ. Dù gánh trên vai khoản nợ 600 triệu đồng khi làm nhà xong nhưng việc có được nhà riêng giúp cuộc sống gia đình anh chị thoải mái hơn. Gia đình có thể mua thêm những đồ đạc thiết yếu phục vụ cuộc sống cho 3 người cho đầy đủ hơn. Trong khi đó, số tiền trước đây trả tiền nhà trọ nay được chuyển sang trả lãi và gốc khoản vay ngân hàng.
Kể từ khi chuyển về nhà mới, anh chị cũng không còn lo với vấn đề tiền điện tăng phi mã mỗi khi mùa hè đến. Giờ đây, mỗi tháng dù các thiết bị điện trong gia đình dùng thoải mái thì số tiền điện cũng chỉ hết 300.000-400.000 đồng. Những tháng mùa hè dao động từ 600.000-800.000 đồng cho dù điều hòa có bật nhiều hơn thời kỳ thuê nhà trọ. Giấc ngủ và cuộc sống của các thành viên trong gia đình cũng thoải mái hơn rất nhiều.
Sau khi có được tài sản lớn nhất là mảnh đất và ngôi nhà, anh chị cũng lên kế hoạch kiếm tiền để trả số nợ đã vay. Sự nỗ lực của hai vợ chồng giúp thu nhập gia đình cải thiện đáng kể, tăng gấp đôi so với những năm trước đây. Chị Nhung chia sẻ, sau gần 3 năm “cày cuốc”, số nợ ngân hàng đã giảm đi đáng kể, giờ đây mỗi tháng số tiền gốc và lãi phải trả chỉ còn hơn 3 triệu đồng. Số tiền mặt và vàng vay người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng đã trả được phần lớn. Áp lực trả nợ đã vơi đi hơn 50% so với những ngày đầu mua đất, làm nhà.
Sau 3 năm chuyển về nơi ở mới, nhịp sống trong khu vực cũng trở nên sôi động hơn do lượng người các nơi đổ về mua đất, làm nhà liên tục tăng sau mỗi năm. Điều này khiến giá đất trong khu vực đã tăng lên gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2017. Ông bố sinh năm 1983 thừa nhận quyết định mạo hiểm của hai vợ chồng cách đây 3 năm là một quyết định đúng đắn bởi chỉ riêng với giá đất hiện nay, số vốn anh chị bỏ ra trước đây thậm chí chưa đủ tiền mua thửa đất hiện tại chứ đừng nói đến chuyện xây nhà để “an cư lạc nghiệp”. Trong khi đó, nếu tiếp tục đi ở trọ trong 3 năm qua, riêng số tiền thuê phòng cũng lên tới 120 đến 140 triệu đồng nữa. Tính ra anh chị có thể mất hơn 300 triệu đồng cho quãng thời gian 8 năm đi ở trọ mà vẫn chỉ có 2 bàn tay trắng.
Trước sự leo thang của giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá nhà đất hiện nay, chị Nhung thừa nhận có thể cả đời phải đi ở trọ nếu hai vợ chồng không quyết đoán đưa ra quyết định tìm mua đất và làm nhà ngay trong quá khứ. Bà mẹ 1 con thừa nhận với tâm lý “an cư lạc nghiệp” trong thực trạng giá nhà đất càng ngày càng tăng, việc tìm đến các gói giải pháp tài chính đang dần trở nên phổ biến đối với nhiều gia đình trẻ hiện nay.
Và các khoản vay dài hạn trở nên hấp dẫn với người mua nhà đất bởi khả năng chi trả và tính linh hoạt. Ở một khía cạnh khác, chọn vay để mua nhà đất giúp nhiều người sớm sở hữu căn nhà của riêng mình, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình, đồng thời có động lực để làm việc và sắp xếp tài chính trả khoản vay.
Theo Nam Anh
Dân Việt